Như báo Công lý đã thông tin, sau giải phóng miền Nam, nhà số 25- Phan Bội Châu là nhà vắng chủ do Nhà nước quản lý và chính quyền địa phương đã giao cho Cty Công trình đô thị Thị xã Đông Hà quản lý (nay là Cty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà- sau đây gọi tắt là Cty Môi trường) và Cty Môi trường đã ký hợp đồng cho bà Duyên thuê nhà từ năm 1991.
Ngày 12/3/2012, bà Duyên làm đơn xin mua lại căn nhà và đất nói trên theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ (được thay thế bởi Nghị định 34/2013/NĐ-CP) nhưng UBND tỉnh Quảng Trị, UBND TP Đông Hà không đồng ý với nhiều lý do.
Cụ thể, các cơ quan này cho rằng, hợp đồng thuê nhà vắng chủ của bà Duyên với Cty Môi trường khi chấm dứt hợp đồng thuê thì ngôi nhà trên chưa được xác lập sở hữu toàn dân và chưa phải nhà thuộc sở hữu nhà nước. Thời gian chấm dứt hợp đồng thuê nhà vào tháng 6/2008, trước thời điểm UBND tỉnh Quảng Trị xác lập sở hữu toàn dân ngôi nhà số 25; nhà số 25 đã bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ đổ; một phần ngôi nhà trên hiện nay nằm trong quy hoạch nút giao thông đường Phan Bội Châu-Đinh Tiên Hoàng… nên Nhà nước không bán.
Ngôi nhà 23-xuống cấp ngay cạnh nhà số 25 vẫn được cho thuê
Trong khi bà Duyên đang chờ giải quyết khiếu nại của Thủ tướng Chính phủ, thì UBND tỉnh Quảng Trị ra Công văn số 1721/UBND-TN về việc xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không an toàn (trên cơ sở Sở Xây dựng Quảng Trị có Công văn số 417/SXD-XDCB, ngày 21/4/2017) chỉ đạo UBND TP Đông Hà giải quyết. Theo đó, ngày 1/6/2017, UBND TP Đông Hà có Công văn số 106/TB-UBND yêu cầu bà Duyên dọn ra khỏi nhà trước ngày 15/6/2017, nếu bà Duyên không chấp hành thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Vấn đề khó hiểu ở đây, trong khi bà Duyên đang có đơn khiếu nại đến các cấp Trung ương và các cấp này đang trong quá trình xem xét, chỉ đạo thì UBND tỉnh Quảng Trị lại trực tiếp chỉ đạo UBND TP Đông Hà xử lý bằng cách đưa ra thông báo nói trên. Với lý do trước sau như một “nhà đã xuống cấp trầm trọng”, UBND TP Đông Hà yêu cầu bà Duyên ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Vậy, tại sao bà Duyên đã nhiều lần khẳng định bà vẫn sống bình thường trong ngôi nhà ấy, ngôi nhà không hề xuống cấp như kết luận của chính quyền sở tại nhưng vẫn có yêu cầu ra khỏi nhà trong khi nhà số 23 ngay bên cạnh hiện đã xuống cấp thì không được nhắc đến.
Để có cái nhìn khách quan về những căn nhà có cùng địa điểm nhưng “số phận” hoàn toàn khác nhau, PV Báo Công lý đã xác minh tìm hiểu. Qua tìm hiểu từ UBND phường1 (Đông Hà), được biết ngôi nhà số 23 này trước đây của ông Khái có xây dựng lò nước đá từ trước năm 1975. Do chiến tranh ông Khái di cư vào Nam (hiện ông Khái đã chết) và lò nước đá cũng bị sập do chiến tranh. Sau năm 1975, HTX may mặc Thống Nhất phường 1 sử dụng lô đất này để hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình hợp tác xã đã xây dựng nhà cấp 4 hiện nay đang tồn tại số nhà 23 Phan Bội Châu do UBND phường 1 quản lý và UBND phường đang cho ông Minh thuê mặt bằng làm quán để sửa chữa điện cơ.
Một trường hợp khác đó là lô đất của ông Hoàng Đức Long (giao lộ đường Phan Bội Châu – Phan Châu Trinh). Lô đất này thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm cho rằng nó đã được các cơ quan chức năng sở tại “hô biến”. Thể hiện rõ nhất là ngày 20/2/2014, UBND TP Đông Hà ra Quyết định số 191/QĐ-UBTP cấp cho ông Hoàng Đức Long và bà Hoàng Thị Liên (thuộc diện GPMB, thường trú tại phường 5, TP Đông Hà) với diện tích 63,2 m2 sử dụng vào mục đích đô thị.
Qua tìm hiểu từ những người dân sống quanh đây, các ý kiến đều thắc mắc rằng nguồn gốc lô đất mà ông Long vừa được UBND TP Đông Hà đền bù là không hợp lý. Bởi vì, trước đây Công ty Vàng bạc Quảng Trị thanh lý và chỉ nhượng bán “nhà cửa hàng Đông Hà” tức là bán cho ông Long phần kết cấu khung gỗ, mái lợp tôn, vách cót. Đáng ra, sau khi mua tài sản nói trên, ông Long phải tháo dỡ tài sản nói trên để trả lại đất cho Nhà nước. Đằng này, ông Long vẫn tiếp tục sử dụng cùng với việc chiếm dụng khu đất có tài sản đã được Công ty Vàng bạc Quảng Trị thanh lý, nhượng bán để sử dụng vào mục đích sản xuất, chế biến kinh doanh vàng bạc. Như vậy có nghĩa là, ông Long sử dụng khu đất nói trên mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Không hiểu lý do gì vào ngày 12/1/2007, UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 68/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Đức Long về việc thu hồi 63 m2 đất hiện ông Long đang chiếm dụng (chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép) để xây dựng nút giao thông đường Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh…Ngày 10/4/2008, UBND tỉnh Quảng Trị lại tiếp tục ra Quyết định số 645/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hoàng Đức Long, trong đó có nêu rõ giao cho UBND TP Đông Hà thực hiện việc thu hồi đất, tổ chức giải phóng mặt bằng khu đất công trình nút giao thông đường Phan Bội Châu-Phan Châu Trinh theo thẩm quyền. Nhưng đến 4 năm sau, vào ngày 20/2/2014 UBND TP Đông Hà lại ra Quyết định số 191/QĐ-UBND về việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân. Thời điểm này ông Long được cấp 1 lô đất tương tự như lô ông đang chiếm dụng trái phép trong khi đó là đất của Nhà nước và Nhà nước thu hồi… Đây là điều người dân thắc mắc và cần một sự lý giải hợp lý.
Vấn đề đáng để suy nghĩ ở đây, bà Nguyễn Thị Duyên người đang muốn thuê và mua nhà theo NĐ 61 của Chính phủ thì lại bị “mời” dọn ra khỏi nhà với lý do công trình có dấu hiệu nguy hiểm không an toàn, trong khi cạnh đó nhà số 23 đã quá cũ mà vẫn cho thuê để kinh doanh. Không chỉ vậy, trường hợp ông Long chiếm dụng trái phép của Nhà nước bị thu hồi nhưng lại được đền bù một lô đất khác và lô đất được đền bù lại là đất vắng chủ, thuộc xác lập sở hữu toàn dân. Như vậy, liệu chính quyền sở tại đã giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng hay chưa? Và trong khi vụ việc đang khiếu nại, UBND TP Đông Hà ra thông báo như trên liệu đã đúng theo quy định của pháp luật? Câu trả lời một lần nữa chúng tôi xin nhường lại cho cho các cơ quan chức năng.