Theo Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Trị đang thiếu 513 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong đó, ở cấp tiểu học thiếu nhiều nhất, đặc biệt ở 2 môn Tin học và tiếng Anh, ngoài ra còn thiếu nhiều giáo viên ở môn Mỹ thuật và Âm nhạc.
Cụ thể, ở môn Tin học, năm học vừa rồi, có 115/149 trường học trên địa bàn có dạy môn tin học và có 44 trường không có giáo viên Tin học. Còn với môn Tiếng Anh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa đủ giáo viên dạy môn này theo quy định. Cá biệt, có 7 trường học cấp tiểu học chưa có giáo viên dạy môn tiếng Anh, trong đó ở huyện Vĩnh Linh có 3 trường, ở Hướng Hóa có 4 trường.
Trong lúc đó, năm học 2022-2023 này, 2 môn học nói trên từ môn tự chọn thành môn bắt buộc, nên việc thiếu giáo viên nói trên trở thành vấn đề đau đầu với ngành giáo dục.
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, trước 31.8, sẽ hoàn tất rà soát việc thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học trên địa bàn. Từ đó, Sở GDĐT sẽ đề xuất với Sở Nội vụ tuyển dụng các chỉ tiêu biên chế được giao cho phù hợp.
Một vấn đề khó khăn mà bà Hương nêu ra, là chỉ tiêu biên chế được giao ít trong lúc số lượng giáo viên thiếu thì rất lớn, đã thế chỉ tiêu tinh giản biên chế được giao "rất căng", nên càng khó khăn hơn.
Giải pháp trước mắt mà bà Lê Thị Hương đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, là sẽ dạy liên trường, liên cấp và tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên cũng khó khăn vì vướng cơ chế.
“Ngành giáo dục đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị liên quan trước mắt cho cơ chế hợp đồng giáo viên, phân bổ chỉ tiêu biên chế và giảm chỉ tiêu tinh giản biên chế để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên” – bà Lê Thị Hương, nói.
Được biết, năm học 2021-2022 vừa qua, vì thiếu giáo viên, việc dạy học ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, một số điểm trường tiểu học tại huyện miền núi Hướng Hóa, học sinh khối lớp 3, lớp 4 không được học môn tiếng Anh. Từ đó, dẫn đến tình trạng phụ huynh bức xúc vì con em của họ không được tiếp cận môn học quan trọng này.