Công trình đường Cao Thắng chỉ được HĐND huyện phân bổ 1 tỉ đồng, nhưng UBND huyện chi 1,7 tỉ đồng. Ảnh: CTV
Đội vốn dự án gần gấp đôi
Văn bản Kế hoạch đầu tư xây dựng từ ngân sách huyện Hướng Hóa năm 2017 kèm theo Nghị quyết số 46/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân (HĐND) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày 28.12.2016 do Chủ tịch HĐND Hồ Thị Lệ Hà ký ban hành ghi rõ: Công trình đường Cao Thắng tại thị trấn Lao Bảo – huyện Hướng Hóa có số vốn phân bổ là 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế Ban quản lý dự án đầu tư & xây dựng huyện và UBND huyện Hướng Hóa đã ra quyết định chi gần 1,8 tỉ đồng cho công trình này. Quyết định về việc “phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công xây dựng công trình đường Cao Thắng, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)” ngày 29.3.2017 ghi: Đơn vị trúng thầu theo hình thức hợp đồng trọn gói là Công ty TNHH MTV xây dựng Trâm Anh (trụ sở tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa), giá trúng thầu là 1.735.520.000 đồng; công trình do UBND huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư và BQL dự án đầu tư và xây dựng huyện quản lý, điều hành.
Trong diễn tiến sự việc liên quan các sai phạm tại Ban quản lý dự án đầu tư & xây dựng huyện Hướng Hóa, ngày 5.5.2017, KBNN tỉnh Quảng Trị đã phát văn bản số 243 gửi UBND huyện và Ban quản lý dự án của huyện này khẳng định, “một số dự án tạm ứng vốn kéo dài nhiều năm chưa thu hồi, KBNN tỉnh đã có văn bản đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được thu hồi”. Theo đó, tổng số tiền cần phải khẩn trương thu hồi là 932 triệu đồng.
Chia nhỏ gói thầu để “cho” 1 nhà thầu
Từ phản ánh của dư luận, báo chí, Thanh tra Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Trị đã tiến hành thanh, kiểm tra một số dự án đầu tư xây dựng “có vấn đề” tại huyện Hướng Hóa thời gian qua. Tại dự án đường Cao Thắng nói trên, mặc dù vào ngày 29.3.2017, cơ quan chức năng huyện Hướng Hóa mới ban hành quyết định trúng thầu cho Công ty TNHH MTV Trâm Anh trúng thầu nhưng trước đó nhà thầu này đã tiến hành thi công.
Trước khi có quyết định chọn nhà thầu, tuyến đường Cao Thắng đã được nhà thầu là Cty Trâm Anh tiến hành thi công. “Công nhân đã tiến hành san ủi, đổ vật liệu và làm đường chừng chục ngày rồi. Mỗi ngày có khoảng 5 công nhân, cùng một số máy móc cơ giới thi công trên tuyến đường này”, một người dân ở đường Cao Thắng nói. Trả lời báo chí, lãnh đạo Ban quản lý dự án của huyện này cũng đã xác nhận có việc Cty Trâm Anh thi công trước khi có quyết định trúng thầu.
Tại một công trình khác, UBND huyện Hướng Hóa đã chia nhỏ gói thầu, để “cho” Cty TNHH MTV Trâm Anh trúng thầu cả hai gói thầu. Tại quyết định số 3321/QĐ-UBND ngày 30.10.2015 “về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mở rộng thị trấn Khe Sanh” nêu rõ: Chi phí xây dựng là 8,234 tỉ đồng. Thế nhưng, trong quá trình tổ chức đấu thầu, đã chia tách thành 2 gói thầu gồm 1 gói trị giá 5,358 tỉ đồng và 1 gói trị giá 2,364 tỉ đồng. Cùng trong một ngày 10/5/2016, UBND huyện Hướng Hóa đã ra 2 quyết định phê duyệt trúng thầu cho 2 gói thầu có cùng tên gọi nói trên cho 1 nhà thầu, đó là Công ty TNHH MTV Trâm Anh (QĐ số 1090/QĐ-UBND và 1091/QĐ-UBND).
Pháp luật không cấm việc tách gói thầu, tuy nhiên việc tách thầu phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không thực hiện các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Tuy nhiên, đối với gói thầu này thì hai hạng mục “Đường giao thông, hệ thống thoát nước; san nền” đều sử dụng công nghệ và biện pháp thi công giống nhau (yêu cầu về kỹ thuật và thiết bị thi công là như nhau), mặt khác để thi công được gói thầu đường giao thông thì bắt buộc gói thầu san nền phải thực hiện trước.
Vì vậy, việc chia nhỏ gói thầu của một công trình có quy mô nhỏ (<20 tỉ) như trên không đẩy nhanh tiến độ thi công mà chỉ làm tăng thêm các chi phí không cần thiết (chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu; hồ sơ dự thầu; chi phí chấm thầu…) hạn chế các nhà thầu trong nước tham gia (gói thầu xây lắp có giá >5 tỉ phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi), giảm tính cạnh tranh lành mạnh trong các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.