Vụ Hè Thu 2018, từ nguồn vốn nông thôn mới, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị để tiếp tục tổ chức xây dựng các cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi - Ong biển với diện tích gần 150 ha, thực hiện tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ Obi - Ong biển đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, với năng suất lúa tươi từ 50 - 55 tạ/ha, nơi cao đạt từ 70 tạ/ha, doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lãi hơn sản xuất truyền thống từ 8 - 18 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xây dựng thành công mô hình gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây có thể xem là mô hình liên kết 5 nhà đầu tiên tại Quảng Trị với sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà phân phối.
Cũng trong vụ Hè Thu 2018, được sự hỗ trợ của dự án (WB 7), Sở NN&PTNT Quảng Trị đã phối hợp với các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ triển khai các mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, quy mô thực hiện 500 ha tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng suất sản lượng
Kết quả đạt được từ mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) so với phương thức canh tác đại trà: việc sử dụng các giống lúa có phẩm cấp (nguyên chủng hoặc xác nhận) và chất lượng gạo ngon như Bắc thơm số 7, LDA1, Thiên ưu 8, HN 6… đã cho năng suất và hiệu quả cao hơn các giống lúa cũ như: HC 95, PC6, P6…
Đặc biệt là hạn chế được sâu bệnh hại, từ đó giảm số lần phu thuốc bảo vệ thực vật 2 - 3 lần, đã tác động tích cực đến hệ sinh thái đồng ruộng, làm giảm khả năng phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh, từ đó giảm được số lần phun thuốc, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nông sản an toàn thực phẩm… Không dừng lại ở đó, năng suất lúa trung bình từ các mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà (đối chứng) từ 8 - 10 tạ/ha, lợi nhuận cũng cao hơn từ 12 - 15 triệu đồng/ha.
Với thành công bước đầu của các mô hình nông nghiệp mới mang lại đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thích ứng trong biến đổi khí hậu hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững. Kết quả đo lượng khí phát thả nhà kính (CH4, N2O, CO2) ở mô hình CSA tại thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho thấy: Khi áp dụng các biện pháp canh tác theo mô hình CSA thì tổng phát thải giảm từ 1,56 kg CO2/kg thóc (ở ruộng đại trà) xuống còn 0,9 kg CO2/kg thóc…
Cũng trong vụ mùa 2018, diện tích sản xuất cánh đồng lớn tại Quảng Trị đạt hơn 6.000 ha, cao gấp đôi so với năm 2017. Hầu hết, diện tích cánh đồng lớn đều cho năng suất cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất riêng lẻ theo hộ gia đình, nhờ vậy đã tăng lợi nhuận từ 15 - 20% so với sản xuất đại trà.
Thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị ra đời dựa vào phương pháp áp dụng sản xuất nông sản hữu cơ theo hướng công nghệ cao
Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn tại Quảng Trị được xem là một trong những giải pháp bền vững nhằm giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, thúc đẩy tạo tiền đề kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình trong phong trào phát triển cánh đồng lớn là các địa phương: Hải Lăng, Triệu Phong… Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch chuyển đổi trồng lúa sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác, cũng trong năm 2018 toàn tỉnh đã chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày được 160,5 ha, trong đó chuyển đổi sang trồng Ngô 72,5 ha, sang trồng đậu xanh là 88 ha…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, từ kinh nghiệm tổ chức sản xuất của những năm trước, Quảng Trị sẽ tiếp tục chủ động các giải pháp để tổ chức thắng lợi vụ Đông Xuân 2018 - 2019 với các giải pháp chính được đề ra: Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự báo sinh vật gây hại, công tác kiểm dịch thực vật nội địa và chỉ đạo bảo vệ sản xuất; Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, quản lý vật tư nông nghiệp…
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị được tăng lên đáng kể về chất và lượng. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành xu thế chính. Hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích lớn. Đất trồng lúa hàng năm của Quảng Trị xấp xỉ 50.000ha thì đã có 35.000ha trồng lúa chất lượng cao, giúp người nông dân có thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa bình thường 30%.
“Toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 500ha làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Đến năm 2019, quy mô sẽ được mở rộng lên 1.000 ha và mục tiêu diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ đi theo hướng này một cách có lộ trình, bài bản. Với những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thành công, kỳ vọng rằng với xu hướng này người dân sẽ quay lại canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…” - ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.