Quảng Trị, tháng bảy lại về! 

Trong tâm thức của người dân Quảng Trị, tháng bảy có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Tháng 7 năm 1954, theo Hiệp định Giơnevơ, nước ta tạm thời bị chia cắt hai miền Nam-Bắc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Với việc chọn vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai; đằng đẵng hơn 20 năm sau mới có ngày đoàn tụ. Ngày 09/7/1968, Hướng Hoá là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng; trở thành mốc son chói lọi của Đảng bộ, Nhân dân và các dân tộc Hướng Hoá. Những tên đất, tên làng như: Đường 9, Khe Sanh, làng Vây, Tà Cơn, suối La-La… mãi mãi đi vào lịch sử ngời sáng và yêu thương trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế. Chiến thắng Khe sanh - giải phóng Hướng Hoá còn là bản anh hùng ca của dân tộc ta Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị. Ngày 01/7/1989, Quảng Trị “trở lại với cái tên vô cùng thân thương, trìu mến của mình”[1] sau 13 năm hợp nhất trong “ngôi nhà chung”- Bình Trị Thiên (01/7/1976-01/7/1989). Và ngày 27/7 đang lại gần, ngày Thương binh, Liệt sĩ không chỉ một ngày đặc biệt có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, ngày kỷ niệm linh thiêng và tự hào mà còn là tháng tri ân những người có công với nước. Mỗi ngày lịch sử gắn với một giai đoạn lịch sử, một thời kỳ hào hùng của quê hương, đất nước nhưng có một điểm chung chính là lòng yêu nước.

Có thể khẳng định rằng “Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam[2]. Yêu nước cũng là giá trị cao nhất, phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam. Điều này, không chỉ được rút ra từ nhiều cuộc hội thảo bằng bút mực, chữ nghĩa mà còn bằng chính xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.[3]

Quảng Trị là một phần của giang sơn đất Việt. Người Quảng Trị là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, yêu nước - phẩm chất sáng ngời và quý báu nhất của người Việt Nam cũng chính là của con người Quảng Trị.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến tranh trải dài từ Bắc vào Nam. Có thể nói không tỉnh thành nào, mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam thoát khỏi chiến tranh nhưng Quảng Trị là vùng đất đứng ở tuyến đầu của các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, là bãi chiến trường, một vùng đất lửa. Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị tàn phá, mất mát, hy sinh; 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam... Ngã ba Long Hưng trong chiến dịch chống phản kích tái chiếm thị xã năm 1972 do đại đội trưởng Tạ Ðình Dong và hai chính trị viên là Vũ Trung Thướng và Lê Xuân Lý chỉ huy đã thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường bám chốt, chủ động phản kích, “còn người còn trận địa”. Các chiến sĩ quân giải phóng trên trận địa chốt ngã ba Long Hưng đã nêu tấm gương cảm tử cho thành cổ Quảng Trị, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả đất nước. Nhà thờ Long Hưng xã Hải Phú (Hải Lăng) là một chứng tích, minh chứng cho một thời kỳ chiến tranh hủy diệt, nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng. Những dấu vết chiến tranh ác liệt còn hằn trên Trường Bồ Ðề là chứng tích duy nhất còn lại, minh chứng về tội ác hủy diệt của kẻ thù mà quân và dân Quảng Trị phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc. Bến sông Thạch Hãn lặng thầm che chở bao lớp chiến sĩ sang sông góp phần quan trọng cho sự đứng vững của Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Và cũng chính bến sông này, dòng sông này đã ôm ấp các anh, các chị những Anh hùng vì nền độc lập dân tộc,  nơi hóa thân của những linh hồn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Rồi chốt thép Long Quang trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 xứng đáng là một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Trị và cả nước... Một biểu hiện sinh động của phẩm chất yêu nước nữa đó chính là người dân đã sáng tạo ra một công trình có một không hai trên mảnh đất lửa này chính là “ Ðịa đạo Vịnh Mốc”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là tuyến lửa. Người dân nơi đây hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với một cuộc hủy diệt man rợ và tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Chỉ riêng ở Vịnh Mốc, một làng quê nhỏ bé có diện tích chưa đầy 1km2 với 300 dân và 82 nóc nhà nhưng đã phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của hơn 1.003 trận oanh kích rải thảm. Ðó là chưa kể pháo từ Hạm đội 7 bắn vào; từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn sang và các loại bom thừa chúng tống xuống sau mỗi lần đi oanh tạc trở về căn cứ. Với ý chí “'Một tấc không đi, một ly không rời”, người dân Vĩnh Linh đã biết dựa vào đất và tổ chức ngay dưới lòng đất một thế trận liên hoàn bằng các hệ thống làng hầm để vừa làm nơi trú ẩn, phòng tránh an toàn cho con người, súc vật và tài sản vừa là nơi làm việc của các cơ quan nhà nước lại vừa là những pháo đài cố thủ chiến đấu đánh trả quân Mỹ trên cả vùng đất, vùng trời và vùng biển. Ðây thực sự là một công trình vĩ đại của lòng quyết tâm, ý chí sắt đá, sự nỗ lực phi thường, sự linh hoạt, sáng tạo đầy tự tin và bản lĩnh của quân và dân Vịnh Mốc/Vĩnh Thạch/Vĩnh Linh/Quảng Trị. Ðịa đạo Vịnh Mốc là một công trình lao động tập thể, là một bằng chứng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiêu biểu cho thời kỳ chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng "Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta là gang thép. Vì gang thép cũng phải chảy với bom đạn của chúng, mà vì chúng ta là con người thật sự, con người Việt Nam với bốn nghìn năm lịch sử đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại" [4]. Biết bao người con trên mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Quảng Trị có 72 nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia với gần 6 vạn Liệt sĩ là con em mọi miền của đất nước.

Mảnh đất nghèo Quảng Trị trở thành“cái nôi cách mạng”. Người Quảng Trị một lòng đi theo Đảng để cứu nước, cứu quê hương thoát khỏi nô lệ. Trong gần ½ thế kỷ (1930-1975) Việt Nam đối đầu với hai kẻ thù hung hãn nhất thế kỷ XX thì đã có hơn 20 năm mảnh đất này từng là địa đầu, giới tuyến, nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực mang tầm vóc thời đại. Chiến tranh đã gây ra và để lại không biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị nhưng cũng từ đây đã có biết bao con người với lòng quả cảm, ý chí quật cường đã làm nên những chiến công lừng lẫy.

Quảng Trị đã trở thành vùng đất thiêng, là nơi để đến, nhất là mỗi lần tháng Bảy về. Trí Ánh

 

 

[1]  Theo Diễn văn tại buổi gặp mặt mừng việc lập lại tỉnh ngày 22/7/1989

[2] GS, NGND Trần Văn Giàu (2011) Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia. tr.165

[3]  Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr 171-172

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội. tr 25

 

3068 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 70
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 70
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87038346