Từ cuối năm 2019 đến nay, nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, nên Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã cơ bản được đẩy lùi, người chăn nuôi trong tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực tái đàn lợn.
Chị Phan Thị Thu Hảo, tại thôn Đại Đồng Nhất, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh kể, DTLCP năm vừa rồi khiến 10 con lợn thịt nhà chị phải đem đi tiêu hủy, lỗ đến hơn chục triệu, giờ mua lợn giống tái đàn giá lại đắt quá.
Theo chị Hảo, mỗi con lợn giống 5-6kg có giá dao động từ 1 -1,2 triệu đồng, chưa kể các giống lợn tốt như lợn Móng Cái còn có thể đạt ngưỡng 1,5 triệu đồng mỗi con nên gia đình chị Hảo dù rất muốn nhưng không có vốn đầu tư tái đàn lợn.
Cùng chung tình trạng của chị Hảo, anh Lê Nam Thành tại thôn Trí Tiến, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, cho biết: Trong năm 2019, đàn lợn 120 con của gia đình anh nhờ cách ly tốt nên không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên do giá lợn khi đó xuống thấp khiến anh Thành rất khó khăn trong việc tìm đầu ra. Năm nay anh Thành tiếp tái đàn nhưng giá lợn giống quá cao, phải vay mượn gần 200 triệu đầu tư con giống, nuôi lợn thời nay như đánh bạc vậy.
Chợ lợn giống ở Ba Bến, thị xã Quảng Trị khan hiếm lợn giống cung cấp. Ảnh: LQB
Không chỉ ở huyện Gio Linh, ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cũng chia sẻ địa phương này gặp nhiều khó khăn tương tự các địa phương trong tỉnh Quảng Trị khi chỉ có 20% số hộ dân có mong muốn tái đàn. Vĩnh Sơn là xã có nhiều hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn ở Quảng Trị, tuy nhiên nhiều người dân cho rằng việc tái đàn lợn vào thời gian này là cực kỳ mạo hiểm do giá lợn giống quá cao, dịch bệnh cũng chưa hết hẳn.
Với các chủ trang trại có nhu cầu tái đàn thì cũng gặp không ít khó khăn. Anh Lê Đình Vững ở thôn An Trạch, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, là chủ trang trại lợn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học cho biết, không tìm đủ giống tại chỗ, để có được giống lợn lai 3 máu anh phải vào tỉnh Đồng Nai tìm mua 2.000 con giống. Mỗi con có trọng lượng trung bình 4kg, giá 400 nghìn đồng/kg, gấp đôi các giống bình thường, thêm tiền vận chuyển về đến Quảng Trị nên giá thành mỗi con giống gần 2 triệu đồng. Nuôi sau 6 tháng tuổi lợn cho xuất chuồng, mỗi con có thể đạt từ 90 đến 100 kg. Hiện giá lợn hơi tại thị trường Quảng Trị đang ở mức xấp xỉ 70 nghìn đồng/kg nên người chăn nuôi vẫn có lãi. Nếu giá bán lợn thịt hơi giảm xuống mức 50 nghìn đồng như năm trước là huề vốn, xuống thấp hơn sẽ lỗ.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT thôn Quảng Trị cho biết, DTLCP năm 2019 gây hậu quả rất nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Toàn tỉnh có hơn 10 nghìn hộ thuộc 118 xã, phường, thị trấn với hơn 55 nghìn con lợn mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy. Sau thời gian quyết liệt triển khai các biện pháp dập dịch, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh chỉ còn một số xã có dịch bệnh.
Trước tình hình này cơ quan chuyên môn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như rà soát, thống kê; kiểm dịch, tiêu độc, khử trùng tại những nơi xuất hiện ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm…
Nông dân huyện Gio Linh xuất bán lợn hơi với giá khá cao để kịp tái đàn. Ảnh: LQB
Theo ông Hòe, để chăn nuôi lợn bền vững hơn, ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân chuyển dịch từ quy mô nhỏ, phân tán sang nuôi lợn trang trại với phương pháp an toàn sinh học. Về thời điểm tái đàn, ông Hòe khuyến cáo sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện bằng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; người dân và cơ sở trang trại từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở với nguồn giống phải bảo đảm nguồn gốc.
Để chủ động kiểm soát chặt chẽ đàn lợn giống, hạn chế sự lây lan bệnh, tạo thuận lợi cho việc tái đàn trên địa bàn trong thời gian tới, Sở NN- PTNT Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan tăng cường chỉ đạo kiểm soát lợn giống được nhập về từ ở một số nơi khác.
"Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP; quy định về kiểm dịch lợn theo quy định hiện hành. Sau khi nhập giống về nuôi phải kê khai số lượng để được theo dõi, hỗ trợ. Nếu giống ngoại tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thú y tỉnh cấp. Giống nhập về phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với DTLCP. Nông dân Quảng Trị tái đàn cần thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, là nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, cung cầu thị trường và bảo đảm an sinh xã hội", ông Hồ Xuân Hòe.