Sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát về việc xây dựng chương trình, Chi cục Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị điều tra, khảo sát và xây dựng chương trình. Kết quả điều tra, toàn tỉnh hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm; nhóm đồ uống 3; nhóm thảo dược 6; nhóm vải và may mặc 1; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí 3 và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn 1 sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh ta như hồ tiêu; gạo hữu cơ; cao dược liệu, tinh dầu... Các sản phẩm này có lợi thế cạnh tranh cao vì đã có thương hiệu từ rất lâu và đã được người tiêu dùng trên khắp cả nước tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn rất cần được tham gia vào chương trình OCOP để được tạo điều kiện, nhân rộng mô hình và sản xuất theo chuỗi giá trị, trở thành những sản phẩm chủ lực của địa phương.
Trọng tâm của chương trình OCOP được tỉnh xác định là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực thực hiện các biện pháp thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức kinh tế, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thành lập mới doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn hoạt động theo chuỗi liên kết, qua đó giúp hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ như các sản phẩm tinh dầu của hộ kinh doanh Huyền Thoại Lê hiện nay đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và sản phẩm này trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, có lợi thế cạnh tranh cao nằm trong chương trình OCOP. Khi tham gia chương trình, hộ kinh doanh tiếp tục được tạo điều kiện đầu tư máy móc, kỹ thuật để sản xuất và đồng thời sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ, triễn lãm lớn trong và ngoài tỉnh với mục đích là giúp hộ kinh doanh mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đầu ra mới cho sản phẩm.
Quy trình sản xuất tinh dầu của hộ kinh doanh Huyền Thoại Lê
Để tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất cũng như chất lượng của sản phẩm. Nằm trong danh sách những sản phẩm chủ lực của địa phương, gạo sạch Triệu Phong được các thành viên của HTX Nông sản sạch CTTN Triệu Phong sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên, đạt chứng nhận sạch 100%. Với chất lượng như vậy, hiện nay gạo sạch Triệu Phong đã có mặt trên khắp các tỉnh thành của cả nước. Vụ đầu của năm 2018, HTX làm ra 90 tấn lúa, sau khi trừ tất cả các chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Loại gạo này còn được gửi đi giới thiệu tại hội chợ của Hàn Quốc và đạt giải nhất vì được sản xuất theo đúng quy trình an toàn, thân thiện với môi trường và đảm bảo chất lượng sạch 100%. Từ những lợi thế đó, gạo sạch Triệu Phong được xem là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Trị, có lợi thế cạnh tranh cao và sẽ được tạo điều kiện, nhân rộng mô hình sản xuất trong thời gian sắp tới.
Quy trình đóng gói Gạo sạch Triệu Phong
Mục đích chính của Chương trình OCOP là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Cũng thông qua chương trình này để khai thác tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, nông thôn quy mô cấp xã, huyện nhằm đưa nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột kinh tế của Quảng Trị.
Để làm được những điều đó, tỉnh Quảng Trị đang mạnh dạn, quyết liệt chỉ đạo để thực hiện chương trình một cách có hiệu quả. Một trong những giải pháp then chốt là ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; chế biến, bảo quản, khuyến khích phát triển các mô hình SX nông nghiệp; chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao... Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu để các sản phẩm của OCOP có sức lan tỏa trên thị trường. THẢO NHI