Tiêm phòng vắcxin cho đàn lợn nuôi. Ảnh: TTXVN
Trong 3 tháng đầu năm 2019, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn đã xảy ra ở 15 xã, thị trấn của 6 huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Trị gồm: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị. Tổng số lợn mắc bệnh này là trên 1.190 con.
Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, tháng nào cũng phát hiện thêm lợn mắc bệnh lở mồm long móng ở các huyện, thị xã khác nhau. Đến tháng 3, dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra ở huyện Cam Lộ.
Hiện, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tiêm vắc xin lở mồm long móng cho 26.250 con lợn; cung cấp cho các địa phương vắc xin để tiêm phòng, hóa chất để tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ; tuyên tuyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao xâm nhiễm vào địa bàn. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật liên ngành gồm: Trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh; thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đoạn qua đường Hồ Chí Minh, tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh từ các tỉnh phía Bắc; đồng thời lập 1 chốt kiểm dịch động vật ở phía Nam huyện Hải Lăng, để ngăn ngừa dịch bệnh từ tỉnh Thừa Thiên – Huế, đây là địa phương đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Chỉ thị về việc, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào địa bàn; nghiêm cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; tuyên truyền cho người dân thực hiện “5 không”: không giấu khi lợn bệnh; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh; không vứt xác lợn chết bừa bãi