Tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn như các dự án thành phần thuộc dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (dự án BIIG 2), dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Công (GMS). Dự án “Phát triển hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vục tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” thuộc dự án GMS, hoàn thành hạng mục bến cảng du lịch và các bãi tắm Cửa Việt, Trung Giang, Gio Hải. Tiêp tục chỉ đạo, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch nghỉ dưỡng, trong đó dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải - Giai đoạn 1 (13,45 ha) tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh đang triển khai xây dựng các hạng mục chính của công trình; dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Biển Vàng Quảng Trị đã hoàn thành đi vào hoạt động kinh doanh tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt.
Tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình, dự án chiến lược nhằm tăng cường kết nối liên vùng, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã thi công xây dựng đê kè chắn sóng và các hạng mục thiết yếu theo đúng kế hoạch đề ra (quyết tâm đến cuối năm 2025 có 2 bến cảng đưa vào hoạt động); dự án Khu công nghiệp Quảng Trị đã hoàn thành công tác GPMB giai đoạn 1 và triển khai hoàn thành san nền, đường giao thông trục chính; dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan và chủ trương đầu tư, đồng thời tập trung giải phóng mặt bằng; dự án Cảng Hàng không Quảng Trị đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục và khởi công vào ngày 06/7/2024, hiện đã rà phá bom mìn vật liệu nổ với diện tích khoảng 122ha trên tổng số 140,56ha đã giao đất; thi công một số hạng mục chính. Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép triển khai và UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công vào cuối năm 2024. Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà đã tổ chức khởi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các dự án: Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Trạm biến áp 500kV Quảng Trị và đường dây 500kV đấu nối tại Quảng Trị được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và phấn đấu triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra một số dự án hạ tầng giao thông đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu khảo sát đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP như: Dự án đầu tư Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Dự án đầu tư Quốc lộ 15D với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy đã có sự phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho phát triển, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nhiều dự án vẫn còn rơi vào tình trạng kéo dài, không thực hiện đúng tiến độ, xin điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần, thậm chí phải thu hồi chủ trương đầu tư. Các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các dự án động lực mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng tiến độ còn chậm. Việc triển khai các dự án sử dụng đất, nhà ở xã hội còn chưa nhiều.
Vì vậy trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau, cụ thể:
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên xây dựng công trình, dự án chiến lược nhằm tăng cường kết nối liên vùng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh (Phối hợp triển khai nâng cấp QL. 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tuyến QL15D đoạn tư QL1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; hoàn thành công tác đầu tư xây dựng để đưa vào sử dụng các dự án Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (gồm: Đoạn từ Km741+170/QL1 (Dốc Miếu) đến KmlO+187/QL9 về cảng Cửa Việt và Đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu). Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế Đông Nam; xây dựng khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo trở thành khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay, chuẩn bị điều kiện thành lập khu kinh tế cửa khẩu. Mở rộng diện tích Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá theo quy hoạch đã phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị, Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú.
Và nhiệm vụ quan trọng nữa đó là tập trung phát triển hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh, của Vùng và các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Xây dựng, phát triển tam giác du lịch biển đảo, du lịch sinh thái Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng phù hợp với từng giai đoạn, phát triển các loại nhà ở, chú trọng quỹ đất cho các dự án phát triển nhà ở xã hội; phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ven sông, ven biển và các điểm dân cư nông thôn tập trung. Vĩnh Long