Ảnh minh họa/testapi.quangtri.gov.vn
Theo đó, Sở VHTTDL đề nghị Thanh tra Sở, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm VHTT&TDTT các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Rà soát, thống kê, phân loại lễ hội (lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài).
Tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt mã, vàng mã, đảm bảo an ninh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đồng thời, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hôi, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội đề trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh./.
Anh Vũ