|
Sản xuất lúa hữu cơ Quảng Trị là mô hình không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh. |
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 là vụ thứ 4 thực hiện biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Trị, Sở NN&PTNT và các địa phương với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam về việc hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, Quảng Trị đã thực hiện gần 500 ha lúa hữu cơ tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh với sản lượng lúa tươi thu được gần 3.000 tấn, tổng thu nhập của mô hình gần 24 tỉ đồng, lãi toàn mô hình là 13 tỉ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 96 - 110 triệu đồng.
Đây là mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn cho năng suất ngang và cao hơn sản xuất truyền thống, đặc biệt đối với các vùng đất sản xuất liên tục, năng suất ngày càng cao, vụ sau cao hơn vụ trước.
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, Quảng Trị có 6 hợp tác xã, tổ hợp tác kí kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích thực hiện là 105,9 ha. Công ty Đại Nam hỗ trợ 100% phân bón, thu mua sản phẩm lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 6.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Đặc biệt hỗ trợ 100% phân bón, bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa tươi giống lúa mới ST 24 với kinh phí 26 triệu đồng/ha, áp dụng hình thức này tại HTX Long Hưng (Hải Phú), HTX Đại An Khê (Hải Thượng), HTX Mỵ Trường (Hải Trường) của huyện Hải Lăng, HTX Đại Hào (Triệu Đại), huyện Triệu Phong.
Lộ trình dự kiến trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cùng với Công ty Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong Biển tiếp tục mở rộng diện tích liên kết gạo hữu cơ Quảng Trị, đồng thời xúc tiến để xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị.
|
Quảng Trị đang tiếp tục mở rộng diện tích liên kết gạo hữu cơ Quảng Trị, đồng thời xúc tiến để xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị. |
Đánh giá về kết quả mô hình lúa hữu cơ sau 4 mùa vụ triển khai, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Thành công từ mô hình gạo hữu cơ Quảng Trị được xem là giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông Đồng đề nghị Sở NN&PTNT cùng với Công ty Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong biển tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, đồng thời xúc tiến xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị nhằm mục tiêu ổn định đầu ra, mở rộng diện tích sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt từ 5.000 - 10.000 ha…
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: Hiệu quả sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, giải quyết được hai vấn đề cơ bản về tổ chức sản xuất theo hướng tích tụ ruộng đất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ các loại thủy sinh động vật sống trong ruộng lúa. Đặc biệt sản xuất giống lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác theo phương thức truyền thống, góp phần tạo thương hiệu cho gạo hữu cơ Quảng Trị.
“Với những thành công bước đầu đạt được, Quảng Trị có quyền ước mơ sẽ là một trong những địa phương có nền nông nghiệp hữu cơ đứng đầu cả nước…”- ông Chính chia sẻ.