Hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, tỉnh Quảng Trị sẽ không thả bóng bay vào ngày khai giảng năm học mới
Năm học 2019-2020, toàn bộ 366 trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức đồng loạt lễ khai giảng vào ngày 5/9. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương khẳng định trong ngày khai giảng các trường không đọc báo cáo dài dòng, tập trung việc đón học sinh lần đầu tiên tới trường, học sinh đầu cấp, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi; chương trình buổi lễ phải gọn nhẹ, tiết kiệm, thời gian không được kéo dài. Chú ý việc bảo vệ môi trường, qua đó chuyển đi thông điệp của ngành giáo dục về việc kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục tình trạng học sinh miền núi nghỉ học, “quên” đến trường, ngành giáo dục tỉnh này đã triển khai các giải pháp như: cử giáo viên đến từng nhà vận động học sinh đi học, các đoàn thể địa phương vận động con em đến trường. Phân công giáo viên kèm học sinh học lực yếu nhằm giúp các em theo kịp chương trình, tránh tình trạng chán nản dẫn đến bỏ học. Huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn để đến trường.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã triển khai đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, phấn đấu đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy học. Ưu tiên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho các trường vùng khó khăn, vùng dân tộc, biên giới.
Sau 1 năm thực hiện Đề án “Sắp xếp mạng lưới giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, ngành giáo dục đã sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, giảm 93 trường học, giảm 95 cấp trưởng và 29 cấp phó.
Đối với cơ quan Sở GD&ĐT, đã tổ chức lại các Phòng chuyên môn từ 10 phòng xuống còn 7 phòng, chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2019.
Trước đó ngày 24/7, học sinh Nguyễn Nguyệt Linh đã viết một bức thư và gửi bằng email tới 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi không thả bóng bay trong ngày khai giảng.
"Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.
Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ", Nguyệt Linh viết.
Bức thư của Linh đã thuyết phục được Hiệu trưởng trường Marie Curie và các hiệu trưởng khác. Thầy hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng đã khẳng định sẽ có một "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" không bóng bay tại trường.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã viết thư khen ngợi hành động bảo vệ môi trường của Linh, khẳng định "việc không thả bóng bay kèm ước mơ bay cao, bay xa trong ngày khai giảng là từ bỏ niềm vui của tuổi học trò, nhưng lại mở ra một ước mơ lớn hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa".
Ấn tượng với bức thư của Linh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các trường tổ chức khai giảng sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi, vừa bảo vệ môi trường.