Tỉnh Quảng Trị đang triển khai sắp xếp thêm 13 đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, giai đoạn 2019-2021, tỉnh này cũng đã hoàn thành sắp xếp 33 xã, thị trấn. Sau khi sắp xếp đã tinh gọn bộ máy nhưng nảy sinh các bất cập như: tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trụ sở làm việc, người dân chịu thiệt thòi vì tốn phí chuyển đổi giấy tờ khi lập xã mới. Khó khăn nhất là giải quyết cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp. Những khó khăn này được giải quyết như thế nào khi triển khai sắp xếp giai đoạn 2023-2025?.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, 2 xã Linh Hải và Gio Sơn, huyện Gio Linh sáp nhập thành xã mới là Gio Sơn. Trên 99% cử tri của 2 xã được lấy ý kiến đồng ý với phương án sáp nhập và lấy tên gọi xã mới là Gio Sơn. Tuy nhiên, người dân băn khoăn, lo lắng phải mất thời gian và tốn chi phí để làm thủ tục chuyển đổi các giấy tờ liên quan sau khi hình thành xã mới.
Giai đoạn 2023-2025, xã Linh Hải sẽ sáp nhập với xã Gio Sơn thành xã mới Gio Sơn, huyện Gio Linh
Theo quy định, người dân, doanh nghiệp khi chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính được miễn lệ phí chuyển đổi nhưng thực tế họ lại phải đóng khoản phí hành chính lớn hơn nhiều so với lệ phí được miễn. Đơn cử, muốn chuyển đổi thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được miễn 14.000 đồng tiền lệ phí nhưng người dân lại phải trả 137 nghìn tiền phí hành chính. Đây là thiệt thòi cho người dân ở các xã thuộc diện sắp xếp. Ông Đặng Bá Thông, ở thôn Thiện Thành, xã Linh Hải, huyện Gio Linh kiến nghị: “Đề nghị nhà nước sau khi nhập xã rồi, khi dân làm thủ tục chuyển đổi các giấy tờ liên quan từ xã cũ sang xã mới cần miễn phí cho dân. Ví dụ như làm sổ đỏ, không thu tiền của dân, vì đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước”.
2 xã Gio Hòa và Gio Sơn cũ vừa mới sáp nhập thành xã mới Gio Sơn, huyện Gio Linh đi vào hoạt động được vài năm, bộ máy tổ chức chưa ổn định thì nay xã Gio Sơn lại phải chuẩn bị sáp nhập với xã Linh Hải. Ông Phạm Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng, thời gian đầu, sau khi sáp nhập xã, số cán bộ, công chức dôi dư chưa tinh giản được nên vẫn phải làm việc cả 2 trụ sở xã cũ. Có người một ngày phải làm việc 2 nơi, rất vất vả. Vì hoạt động cùng lúc 2 trụ sở nên tốn nhiều chi phí vận hành như: tiền điện, nước, vệ sinh và bất tiện trong điều hành công việc nên Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã quyết định dồn về một trụ sở. Vì vậy, hầu hết cán bộ, công chức, hội đoàn thể phải ngồi chung một phòng làm việc chật chội. Có phòng đến 7 cán bộ gồm Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Thống kê… phải ngồi chung phòng làm việc, rất bất tiện.
Dự kiến, có hơn 110 cán bộ, công chức và 37 người hoạt động không chuyên trách ở Quảng Trị dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo ông Phạm Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, khó khăn nhất vẫn là giải quyết số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Hiện xã Gio Sơn còn 1 cán bộ của giai đoạn trước dôi dư chưa sắp xếp được, nay chuẩn bị sáp nhập thêm 1 xã nữa, sẽ có một nửa số cán bộ, công chức của 2 xã dôi dư phải giải quyết: “Bây giờ, sáp nhận xã thì đơn vị hành chính rộng ra, số thôn sẽ tăng lên. Thời gian của cán bộ, công chức đi nắm tình hình địa bàn tăng lên. Quản lý công tác nắm tình hình sẽ khó khăn hơn. Số lượng cán bộ dôi dư nhiều, đa số còn trẻ, đã chuẩn hóa bằng cấp. Nếu không có luân chuyển phù hợp thì rất khó giải quyết cán bộ dôi dư”.
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 33 xã, thị trấn, giảm 16 xã và tinh giản gần 500 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp. Đến nay vẫn còn 28 cán bộ, công chức chưa giải quyết xong. Do chưa có trụ sở xã mới, các xã sau khi sáp nhập đành sử dụng cả 2 trụ sở cũ để làm việc. Tại nhiều thôn, khu phố, sau khi sáp nhập xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. Số hộ dân và nhân khẩu của thôn, khu phố mới sau sáp nhập tăng gấp đôi, gấp ba. Mỗi lần tổ chức hội họp, nhà sinh hoạt cũ chật chội, không đủ chỗ ngồi, người dân phải đứng, ngồi ngoài sân, rất bất tiện, hiệu quả hội họp không cao.
Sau nhiều năm sáp nhập, một số xã, cán bộ vẫn phải làm việc tại 2 trụ sở
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Trị tiếp tục sắp xếp thêm 13 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Trị thành lập 7 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm được 6 đơn vị. Dự kiến, có hơn 110 cán bộ, công chức và 37 người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp giai đoạn này. Ông Trần Hữu Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, về trụ sở làm việc, theo phương án sẽ thanh lý trụ sở cũ, đầu tư xây trụ sở xã mới sau khi sắp xếp. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương miễn các loại phí khi người dân làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ liên quan sau khi hình thành xã mới.
Ông Trần Hữu Anh cho biết thêm, các đơn vị trong diện sắp xếp phải dừng tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm… để giảm dần số cán bộ dôi dư của các đơn vị sắp xếp trong 5 năm: “Khó khăn hiện nay, đa số cán bộ công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tuổi đời còn trẻ, bằng cấp đảm bảo, trình độ, chuyên môn được đánh giá luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chế độ chính sách để hỗ trợ giải quyết số cán bộ dôi dư phải thôi việc”.