Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành chức năng kiểm tra tình hình thu hoạch lúa vụ Đông Xuân
Ngày 14/5, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan ban ngành chức năng tỉnh này đã đi kiểm tra tình hình thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2017 - 2018 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh Quảng Trị gieo trồng ước đạt gần 30.000 ha cây lương thực có hạt, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,3% kế hoạch cả năm, ước sản lượng đạt hơn 161.000 tấn, đạt 62% chỉ tiêu sản lượng năm.
Đối với diện tích cây lúa gieo trồng ước đạt gần 26.000 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lúa chất lượng cao đạt hơn 18.000 ha, chiếm 70% diện tích lúa vụ Đông Xuân. Diện tích tổ chức sản xuất lúa theo cánh đồng lớn là 3.000 ha, tăng hơn 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay các địa phương đã bước vào vụ thu hoạch, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 6.000 ha. Sở NN&PTNT Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch khi lúa chín sinh lý (80 - 85%), gặt trước cày sau, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, phấn đấu kết thúc thu hoạch trước 20/5/2018 để triển khai gieo cấy vụ Hè Thu đúng thời vụ. Một số địa phương đạt năng suất cao như: Hải Lăng đạt 63 tạ/ha, Gio Linh 59 tạ/ha, Triệu Phong 58 tạ/ha, Cam Lộ 57 tạ/ha, Vĩnh Linh 56 tạ/ha…
Với việc tính toán lịch trình ngay từ đầu vụ, cũng như áp dụng các biện pháp mới trong sản xuất, nên tại Quảng Trị đây được xem là vụ mùa năng suất cao nhất từ trước đến nay
Đặc biệt vụ mùa năm nay, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã kết nối với Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị liên kết với các địa phương sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong biển. Qua đó, Quảng Trị đã thực hiện được 158,224 ha trên địa bàn 5 huyện, thành phố với sự tham gia của 11 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và hộ nông dân. Đây là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao RVT, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ vi sinh Obi - Ong Biển, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, các hộ tham gia mô hình đang bước vào vụ thu hoạch, qua kết quả kiểm tra mô hình dự kiến năng suất lúa tươi bình quân đạt 55 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, cho thu nhập bình quân 44 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí cho lãi bình quân 26 triệu đồng/ha, nơi có năng suất cao cho lãi 38 triệu đồng/ha; cao hơn sản xuất đại trà từ 6 - 18 triệu đồng/ha.
Chính quyền địa phương và người dân phấn khởi trước kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2017 - 2018
Có mặt trên những cánh đồng đang bước vào mùa thu hoạch, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sở dĩ, vụ mùa năm nay đạt năng suất “kỷ lục” như vậy là do chính quyền địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp về chuyển đổi cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các loại giống chất lượng cao, tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật, tính toán diễn biến thời tiết ngay từ đầu vụ, tạo liên kết ổn định đầu ra cho bà con nông dân… nên đây được xem là mùa vụ bội thu nhất từ trước đến nay.
“Đó là tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp của địa phương, những nụ cười phấn khởi của người nông dân trên cánh đồng lúa đã minh chứng rõ nét cho điều đó… Đây vừa là động lực, vừa là trách nhiệm của chính quyền địa phương để duy trì, phát triển những kết quả đạt được trong những vụ mùa sắp tới…” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết thêm.
Đối với vụ Hè Thu 2018, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Riêng vụ Hè Thu năm nay để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, do đó ngay từ bây giờ cần có sự tính toán kỹ trong việc bố trí lịch trình thời vụ thích hợp, cơ cấu các loại giống lúa ngắn ngày, đặc biệt có các phương án chuyển những diện tích thiếu nước tưới sang trồng các loại hoa màu phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng. Trong quá trình sản xuất cần chủ động triển khai các phương án chống hạn như tuyên truyền cho người dân có ý thức dùng nước tiết kiệm, tận dụng tối đa các nguồn nước từ ao hồ, thực hiện tưới tiết kiệm, tưới luân phiên, cắt giảm các đợt tưới hợp lý, ưu tiên nước để tưới cho giai đoạn lúa làm đòng và lúa trổ…