Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 toàn tỉnh Quảng Trị có 25 điểm thi, trong đó có 21 điểm thi liên trường và 4 điểm thi độc lập, với tất cả 333 phòng thi để đáp ứng cho 7.915 thí sinh đăng ký dự thi.
Số lượng thí sinh THPT là 7.322 thí sinh, GDTX là 153 thí sinh và 440 thí sinh tự do. Số lượng thí sinh đăng ký thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT là 1.874, thí sinh đăng ký thi xét tuyển ĐH, CĐ là 369 thí sinh. Thí sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ là 5.672.
Cụm thi số 31 Quảng Trị do Sở GD&ĐT chủ trì và phối hợp cùng bốn đơn vị gồm Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho đến thời điểm này, ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị từ khâu tổ chức ôn tập, hoàn thành đăng ký dự thi, phổ biến quy chế, các văn bản liên quan, công tác coi, chấm thi, phối hợp với các đơn vị chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng cho kỳ thi.
T.S Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Sở sẽ thay đổi địa điểm chấm thi, di chuyển về trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Điểm trường này sẽ đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tốt việc chấm thi so với các điểm khác.
Việc điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập, đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Đặc biệt, để hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, tại khu vực chấm thi sở GD&ĐT đề nghị lắp đặt camera an ninh giám sát phòng chấm thi 24/24h, sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm…
Tại cuộc họp này, các thành viên ban chỉ đạo thi cũng hoàn toàn nhất trí với phương án tổ chức kỳ thi do ngành GD&ĐT Quảng Trị thực hiện và các cơ quan ban ngành liên quan sẽ hỗ trợ tối đa nhằm giúp ngành GD&ĐT tổ chức kỳ thì đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Quảng Trị yêu cầu ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát nhằm xây dựng kế hoạch chính xác nhất để việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định.
Sở GD&ĐT cần chủ động phối hợp với các ngành, nhất là công an ngăn chặn các tiêu cực xảy ra trong kỳ thi, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng chống gian lận, gian lận công nghệ cao, phối hợp với Sở GD&ĐT, đặc biệt là công an, y tế, điện lực, các địa phương…
Chủ động phối hợp với các trường ĐH, Học viện theo sự phân công của Bộ GD-ĐT. Tập huấn, phổ biến cho cán bộ, thí sinh về nội quy, quy chế kỳ thi. Rà soát lại cơ sở vật chất các điểm thi, điểm chấm thi… làm sao để tổ chức một kỳ thi đảm bảo an toàn tuyệt đối.