Phú Yên khoan giếng nước phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng hạn
Nắng hạn gay gắt kéo dài, mực nước các sông suối, hồ đập, giếng đào trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị cạn kiệt làm hàng ngàn hộ dân các huyện miền núi và ven biển như Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh thiếu nước sinh hoạt.
|
Đồng ruộng khô hạn do nắng nóng kéo dài ở Quảng Trị. |
Nguồn nước từ các sông, suối trơ đáy khiến hơn 1.000 hộ dân ở huyện Sơn Hòa phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại huyện miền núi này, mạch nước ngầm của hầu hết các giếng đào thuộc các xã Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Phước, Sơn Định và Ea ChRang bị khô mạch. UBND huyện Sơn Hòa đầu tư gần 3 tỷ đồng đào 30 giếng khoan có độ sâu từ 60m- 100m tại các vùng thiếu nước đồng thời lắp đặt máy bơm nước phục vụ nước sinh hoạt cho bà con.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: "Bà con sáng ra lấy nước chỉ 15 phút là giếng cạn. Phải đợi hồi mạch đến trưa mới có thể bơm nước được. Nếu tình hình thời tiết cứ diễn biến như thế này nữa sẽ gây ra nhiều khó khăn cho bà con".
Quảng Trị chủ động giải pháp chống hạn vụ Hè Thu
Theo dự báo, vụ sản xuất Hè Thu năm nay ở miền Trung gặp nhiều khó khăn khi nền nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng kéo dài làm gia tăng tình trạng khô hạn và thiếu nước. Hiện nay, các địa phương tại tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu, chủ động các phương án ứng phó với hạn hán và nắng nóng.
|
Nhiều ao hồ sông suối cạn dần do nắng nóng kết hợp với gió Tây Nam ở Quảng Trị. |
Tại cánh đồng của HTX An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, vào thời điểm này hàng năm, người dân bắt đầu làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Tuy nhiên, năm nay, khô hạn, toàn bộ cánh đồng có thể bị bỏ hoang khi nguồn nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Ông Mai Văn Lành, ở HTX An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiều người chuyển đổi cây trồng chống hạn.
"Nhà nước hỗ trợ dự án chuyển đổi cây trồng thì phải làm thử. Một là bắp hai là đậu xanh, bà con thì quen trồng lúa, chưa chuyển đổi được", ông Lành cho hay.
Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh Quảng Trị gieo cấy khoảng trên 25.000ha lúa. Trong đó, xác định gần 4.300 héc ta nguy cơ thiếu nước. Ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị cho biết, đơn vị đã triển khai những giải pháp nhằm điều tiết và cân đối nguồn nước tưới phù hợp.
"Công ty tập trung chỉ đạo các đơn vị rà soát, tính toán và cân đối nguồn nước ở các hồ chứa, lập phương án cụ thể cho các công trình, khẩn trương nạo vét, tu sửa cho các kênh mương. Tận dụng tối đa các nguồn nước sẵn có trên các sông suối, ao hồ để bơm tát, phối hợp với các địa phương lập kế hoạch khoanh vùng các trạm bơm dã chiến. Tổ chức đắp chặn trục tiêu, kênh tiêu trữ nước bơm tưới, quản lí chặt chẽ cống ngăn mặn, tuyệt đối không cho mặn xâm nhập vào nội đồng", ông Công cho biết thêm.
Trước tình hình khô hạn, tỉnh Quảng Trị có kế hoạch chuyển đổi gần 670 ha lúa thiếu nước sang các hình thức sản xuất và cây trồng như ngô, đậu, rau màu và các loại cây trồng khác. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Vụ Hè Thu năm nay, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp tiếp tục được địa phương chỉ đạo thực hiện. Ông Bùi Phước Trang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hỗ trợ bà con.
"Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kĩ thuật đến với người nông dân nhằm giúp nông dân tiếp cận nâng cao nhận thức áp dụng sản xuất có hiệu quả. Liên kết với các doanh nghiệp ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục bố trí cán bộ kĩ thuật bám sát cơ sở, giúp nông dân và các địa phương tổ chức các giải pháp và chỉ đạo phòng trừ các đối tượng sâu bệnh. Phối hợp với các ngành như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương ban hành chính sách trong chuyển đổi có hiệu quả", ông Trang cho hay"./.