Để nuôi tôm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch nâng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 tăng lên 1.500 ha, trong đó tôm sú 450 ha, tôm thẻ chân trắng 950 ha.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chi cục trưởng trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng để phát triển nghề nuôi tôm gặp không ít khó khăn. Ðầu tiên là sự cố môi trường biển cách đây mấy năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên địa bàn tỉnh. Diễn biến thời tiết khí hậu thất thường, rét đậm và nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân. Nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung còn hạn chế dẫn đến khó đáp ứng các điều kiện sản xuất, tăng mức rủi ro. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, tín dụng chưa thật sự mạnh dạn trong việc cho vay vốn để nuôi tôm. Phần lớn các cơ sở nuôi có quy mô nhỏ lẻ, manh mún cho nên cơ sở hạ tầng không bảo đảm cho hoạt động nuôi trồng thủy sản mặn lợ... Ngoài ra, nuôi tôm đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao và công nghệ nuôi phức tạp, trong khi trình độ kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế là một trong những khó khăn trong phát triển sản xuất. Riêng năm 2016, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở 22 xã, phường, thị trấn, với tổng diện tích 344,72 ha. Năm 2017 cũng có gần 200 ha nuôi tôm bị dịch bệnh.
Một khó khăn nữa là con giống, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nhu cầu toàn tỉnh hiện nay là khoảng 100 triệu con giống tôm sú/năm. Trước đây, trên địa bàn có năm trại sản xuất giống tôm sú, do điều kiện sản xuất không thuận lợi cho nên bốn trại sản xuất giống tôm đã ngừng sản xuất, hiện nay chỉ còn Trại sản xuất tôm giống Cửa Tùng thuộc Trung tâm Giống thủy sản sản xuất và cung ứng dịch vụ giống tôm sú. Tuy nhiên, do mùa vụ sản xuất chỉ trong vòng hai tháng cho nên số lượng giống cung ứng chỉ đạt khoảng năm triệu tôm giống/năm, số giống còn lại được nhập từ các tỉnh phía nam. Còn đối với giống tôm thẻ chân trắng, toàn tỉnh cần khoảng một tỷ con giống/năm. Năm 2013, Công ty Uni- President Việt Nam đã đầu tư một trại sản xuất giống tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh, với vốn đầu tư 7,5 triệu USD, công suất hai tỷ tôm giống/năm. Từ năm 2013 đến 2015, hằng năm, công ty sản xuất khoảng 300 đến 400 triệu tôm giống cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đến tháng 7-2015, do kết quả sản xuất bị thua lỗ nhiều năm liên tục cho nên Công ty Uni- President Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị đã ngừng sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Hiện công ty vẫn chưa có hướng tổ chức sản xuất lại, vì vậy hầu hết nguồn giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi trên địa bàn tỉnh phải nhập từ các địa phương khác về.
Ðể nghề nuôi tôm phát triển, trước mắt tỉnh chủ trương tiếp tục duy trì đối tượng tôm sú ở vùng ven sông Hiền Lương và ven sông Cửa Việt, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng bãi ngang ven biển, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ cho thị trường tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. Chuyển đổi các vùng nuôi chuyên tôm thường xuyên bị dịch bệnh sang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến/xen ghép tôm - cua, tôm - rong câu, tôm - cua - cá nước lợ… hoặc nuôi chuyên cua, cá nước lợ tại một số xã của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong. Ðồng thời, tập trung kiểm soát chất lượng con giống, nguồn thức ăn, xử lý nguồn nước thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể diện tích nuôi tôm đã được UBND tỉnh phê duyệt, và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thủy sản của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao; tổ chức sản xuất con giống phù hợp điều kiện nuôi của từng vùng; gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu.