Đòn bẩy từ kinh tế biển
Quảng Trị là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ với bờ biển dài khoảng 75km, có 4 huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh,Triệu Phong, Hải Lăng với 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã cửa lạch cùng huyện đảo Cồn Cỏ nằm cách bờ 28km.
Với vị trí nằm ở trung điểm của đất nước, có vai trò quan trọng trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối Lào-Thái Lan-Myanma qua 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đến các cảng biển lớn của miền Trung. Với hai cửa lạch lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt, dọc bờ biển có nhiều vũng kín thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền và còn có nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh là điều kiện thuận lợi cho địa phương này phát triển du lịch sinh thái biển.
Nhận thức được những thuận lợi đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, tiếp tục xử lý khắc phục khó khăn,ổn định đời sống nhân dân vùng biển.
Trên lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay đã có hơn 162 chuyến tàu biển tham gia khai thác vùng biển xa bờ, dự ước sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13.540 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 2.300 tàu thuyền các loại, trong đó hơn 208 tàu đánh bắt xa bờ công suất mỗi tàu từ 90 Cv trở lên.
Cùng với nâng cao năng lực khai thác đánh bắt hải sản thì hoạt động hậu cần biển và dịch vụ nghề cá được các địa phương ven biển chú trọng. Bên cạnh đó các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền hàng năm đã duy tu, sửa chữa, đóng mới hàng trăm lượt tàu thuyền đảm bảo an toàn mỗi khi ra khơi vào lộng. Trên địa bàn các xã ven biển, đến nay có hàng trăm cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nước đá, hàng trăm cơ sở tham gia thu mua, chế biến thủy hải sản, nhất là nghề hấp sấy cá khô xuất khẩu… phát triển mạnh ở Cửa Việt, Cửa Tùng đã tạo công ăn việc làm cho lao động và người dân địa phương. Đồng thời, việc tạo điều kiện để quy hoạch vùng phát triển làng nghề cũng đã được các cấp quan tâm để làm sao đảm bảo phát triển làng nghề vừa đảm bảo môi trường khu vực sản xuất.
Dự án trồng rừng chống xâm nhập mặn tại Quảng Trị được triển khai hiệu quả góp phần đáng kể tạo hệ sinh thái tự nhiên cho cộng đồng dân cư tại địa phương
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Quảng Trị đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm kinh tế, văn hóa - xã hội vùng biển và vùng cát; phát triển ngành nghề, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, trung bờ nhưng bảo đảm phát triển bền vững trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thời gian tới, tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, đảo Cồn Cỏ. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với việc tôn tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và đảo Cồn Cỏ nhằm thu hút khách nội địa và các nước trong khu vực...
Hoạt động ra quân vệ sinh môi trường biển đảo là một trong những chương trình trọng tâm được tổ chức hàng quý, hàng tháng tại Quảng Trị
Nỗ lực bảo tồn tài nguyên môi trường biển đảo
Bên cạnh những cơ hội lớn để vươn ra làm chủ từ biển, làm giàu từ biển, vùng biển, hải đảo tỉnh Quảng Trị đang đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên từ biển chưa bền vững là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển. Việc nuôi trồng thủy sản tự phát thiếu quy hoạch làm phát sinh đáng kể lượng chất thải ra môi trường; hay chất thải công nghiệp từ khu công nghiệp, đô thị, các vùng sản xuất nông nghiệp từ đất liền cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển; sự phát triển nhanh của ngành du lịch biển nhưng công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một thích đáng dẫn đến rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để... đang ngày càng làm môi trường biển ô nhiễm, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển.
Việc cải hoán và nâng cấp tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ giúp ngư dân Quảng Trị đánh bắt hiệu quả ở vùng biển xa bờ
Chính những đặc điểm này vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là thách thức trong bảo vệ môi trường, chủ quyền biên giới, biển đảo. Do vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền biển đảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới là hết sức cấp thiết và rất quan trọng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị đã chủ động tham mưu chỉ đạo, định hướng tuyên truyền biển, đảo với nhiều hình thức phong phú như thông qua hội nghị báo cáo viên, giao ban báo chí, phát hành tài liệu tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến, những mô hình hay, kinh nghiệm quý về phát triển kinh tế biển, đảo trong các tập sách “Hoa đời thường”, “Làm theo lời Bác” hàng năm và “Tài liệu sinh hoạt chi bộ” hàng tháng.
Với vị trí là tỉnh giáp biển, ở trung điểm đất nước vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng là thách thức để Quảng Trị đi lên từ kinh tế biển nhưng đảm bào hài hòa về giữ vững hệ sinh thái biển đảo
Theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 1092/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1570/QĐ-TTg, kế hoạch tỉnh đưa ra có 21 nhiệm vụ, tổng kinh phí thực hiện là 72,1 tỷ đồng.
Những năm qua, Sở TN&MT Quảng Trị đã thường xuyên triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao công tác kiểm soát ô nhiễm nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói riêng như: Theo dõi và giám sát các nguồn thải ven biển, thanh kiểm tra, giải quyết ý kiến cử tri, quản lý chất thải. Trong năm 2017, Sở TN&MT Quảng Trị đã tích cực trong công tác xử lý sự cố tràn dầu và sự cố môi trường biển xảy ra vào năm 2016, tham mưu tỉnh phê duyệt 22 kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu, đầu tư các trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu xử lý khi xảy ra sự cố tràn dầu, tổ chức tập huấn, xử lý khắc phục sự cố môi trường do sự cố tràn dầu trên biển; xây dựng khu xử lý rác thải trên đảo Cồn Cỏ thuộc Đề án “Cải thiện môi trường huyện đảo Cồn Cỏ”...
Hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo quê hương được tổ chức hàng năm tại Quảng Trị với sự tham gia đầy đủ của các cấp chính quyền, đông đảo người dân, đoàn viên thanh niên
Đặc biệt, để ngăn chặn biển xâm nhập mặn, hạn chế sức tàn phá của sóng biển tại các tuyến đê bao xung yếu, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức trồng nhiều diện tích rừng ngập mặn tại các huyện, xã vùng biển. Năm 2009, với số tiền gần 20 tỷ đồng hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương và sự đóng góp của địa phương, người dân đã trồng trên 40 ha rừng bần bao quanh tuyến đê biển dài 5km ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong.
Tháng 10/2015, Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn với tổng diện tích 63,43 ha. Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trên 85% sẽ tạo vành đai rừng ngập mặn bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, tạo hệ sinh thái tự nhiên cho cộng đồng dân cư tại địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, Quảng Trị đặt ra mục tiêu quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn ven biển của tỉnh, gồm 1.588 ha rừng tự nhiên và 9.251 ha rừng trồng. Tầm nhìn đến năm 2030, tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích đã quy hoạch, tiếp tục đầu tư thực hiện một số hạng mục thiết yếu và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cũng như giúp người dân vùng biển hưởng lợi từ rừng.
Quảng Trị đã hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tại Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 29/3/2012. Nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh được triển khai hàng năm bao gồm: quan trắc chất lượng không khí, nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ, môi trường đất, đa dạng sinh học và quan trắc tai biến, sự cố môi trường. Tỉnh đã triển khai thực hiện công trình “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường vùng biển, ven bờ và hải đảo tỉnh Quảng Trị” từ năm 2015 đến nay đang hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu vùng biển, ven bờ và hải đảo tỉnh Quảng Trị.
Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trên 85% sẽ tạo vành đai rừng ngập mặn bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn... tại Quảng Trị
Trong công tác tuyên truyền, tỉnh đã nhiều hội nghị phổ biến pháp luật về biển, đảo cho cán bộ cấp xã, các chiến sỹ thuộc các đồn biên phòng trên biển. Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017, khai mạc triển lãm bản đồ trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” với hơn 2.500 người tham gia. Tổ chức phát tư liệu tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…
Trao đổi về hoạt động bảo vệ môi trường biển đảo, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Với vai trò không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế biển mà còn gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia, thời gian tới, Quảng Trị cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cụ thể hơn những nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả luật TNMT biển và các quy định pháp luật liên quan khác, nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển”.
“Bên cạnh đó, ngành TN&MT cùng với các cơ quan chức năng, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, rà soát, đánh giá và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển. Xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu TNMT biển đảo của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực… Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhằm duy trì phát triển kinh tế bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”. - Ông Nguyễn Trường Khoa nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà động viên ngư dân vùng biển Quảng Trị đã nỗ lực vươn lên sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung cách đây hơn 2 năm.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa diễn ra ở tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định về bài học không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
“Môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội. Chúng ta phải giữ, một trụ cột của sự phát triển. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển nước ta, phải làm tốt hơn không được ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.