Tỉnh Quảng Trị là địa phương có diện tích rừng trồng khá lớn. Năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt trên 112.127 ha; diện tích rừng sản xuất đạt khoảng 114.932 ha; có trên 23.400 ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC. Sản lượng gỗ khai thác tăng liên tục qua các năm, năm 2019 đạt 945.000m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 115 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ. Các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ tập trung chủ yếu ở các địa bàn như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh.
Trong thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện chặt chẽ công tác quản lý đất rừng, trồng rừng, quy hoạch lại diện tích rừng trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cũng như định hướng phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, đã tập trung rà soát các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ hiện có; đồng thời, rà soát, đánh giá lại quy hoạch để bố trí lại các cơ sở chế biến phù hợp hơn và giám sát chặt chẽ đầu ra của sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề ra cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm mộc quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ hoạt động khá ổn định. Năm 2019, giá trị sản xuất ước đạt 2.700 tỷ đồng, chiếm 33,8% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chế biến của toàn tỉnh. Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng và dăm gỗ đã có sự tăng đột biến trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.012.908 tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 88,776 triệu USD.
Mặc dù là một tỉnh có lợi thế về gỗ rừng trồng, tuy nhiên, một vấn đề khó cho các cơ sở sản xuất như đã được đề cập ở trên vẫn là vấn đề nguyên liệu. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa chủ động đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Trong khi đó tình trạng thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với người trồng rừng vẫn diễn ra, dẫn đến nhiều doanh nghiệp hoạt động non tải, chất lượng nguồn nguyên liệu không cao, chủ yếu do khai thác sớm. Quy mô ngành chế biến gỗ vẫn còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại và giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nên ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa đạt được hiệu quả cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của nó.
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững hơn và trở thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. Trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến gỗ đạt 3.150 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 90 triệu USD; đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD; đưa đồ gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.
Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp. Trước hết, giải quyết cho được bài toán về vùng nguyên liệu. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, trong đó cần tập trung phát triển rừng theo hướng phát triển rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động về vùng nguyên liệu, đặc biệt là vùng nguyên liệu gỗ lớn, để đáp ứng được nhu cầu chế biến sâu xuất khẩu.
Tính toán để có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị tăng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ mới, để tạo ra được nhiều sản phẩm tinh, chế biến sâu, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường; tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nhất là những thị trường lớn, tiềm năng. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác tình hình cung – cầu, giá cả thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại… nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp này, trong đó quan tâm đầu tư đường giao thông phục vụ cho công tác trồng, khai thác rừng, cũng như phương tiện bốc xếp, dịch vụ Logistics phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Có cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay và các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến gỗ, thực hiện các chức năng định hướng, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn, tạo điều kiện, tạo môi trường để các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, cùng với cơ chế, chính sách được thay đổi phù hợp với nhu cầu phát triển trong thời gian tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững hơn./. Thanh Lan