Quảng Trị: Phát huy vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong tuyên truyền, giáo dục liêm chính 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”.

Như vậy, liêm, chính là những phẩm chất, đức tính tốt đẹp người cán bộ, là giá trị nền tảng của đạo đức công vụ, thể hiện sự trong sạch, ngay thẳng, không xa hoa, lãng phí trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng, gìn giữ phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Từ đó kết tinh thành những giá trị, chuẩn mực, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần hình thành nhân cách con người mới, có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước. Mặt khác, từ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một số cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị đang gây bức xúc cho dư luận, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị của nước ta. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, giáo dục liêm chính được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng đang đặt ra cho các cấp, các ngành, các lĩnh vực hiện nay, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Nếu văn hóa góp phần quan trọng trong giáo dục, xây đắp lý tưởng sống, đạo đức và nhân cách con người, nói rộng ra, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần xã hội; thì sứ mệnh của văn học, nghệ thuật và người nghệ sỹ là thông qua tác phẩm nghệ thuật kết nối muôn triệu trái tim, đi sâu phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người, hướng con người đến những giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ. Văn học nghệ thuật như là “chất kích thích” tích cực thôi thúc hành động ngưỡng mộ, học tập và làm theo những hình tượng cách mạng được xây dựng và diễn tả một cách sinh động trong các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Thông qua hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, phim truyền hình, sân khấu… con người thẩm thấu các giá trị đạo đức từ các nhân vật từ đó bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức cho các thế hệ công dân. Tư tưởng, tình cảm, thông điệp được thể hiện qua tác phẩm văn học, nghệ thuật có thể tác động và làm thay đổi cảm xúc, nhận thức, tư tưởng của một bộ phận xã hội cũng như có tác dụng định hướng dư luận xã hội. Từ đó có thể thấy, văn hóa, văn học, nghệ thuật đóng một vai trò vô cùng quan trong trong việc giáo dục con người hướng đến chân, thiện, mỹ nói chung và giáo dục liêm chính để không tham những, tiêu cực nói riêng.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), cũng như vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong giáo dục con người hướng đến chân - thiện -mỹ; những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác PCTNTC nói chung, việc tuyên truyền, giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân nói riêng thông qua nhiều hình thức, trong đó có các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Là lực lượng “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, những năm qua, ngành Tuyên giáo Quảng Trị đã thể hiện hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác PCTNTC. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng cho các địa phương, đơn vị thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTNTC gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóatrong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;  Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Ban cũng tiến hành nghiên cứu và phát hành cuốn sách chuyên khảo: “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ và Nhân dân giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của quê hương. Đặc biệt, năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho ra đời trang Group “Văn nghệ sĩ với quê hương Quảng Trị”. Sau hơn 01 năm chính thức đi vào hoạt động (từ tháng 3/2023 đến nay), Group đã thu hút sự tham gia của 550 văn nghệ sĩ và những người yêu văn hóa, văn nghệ Quảng Trị với hơn 800 tác phẩm, bài viết đã được đăng tải; trở thành cầu nối để văn nghệ sĩ yêu quê hương gửi gắm tình cảm của mình, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương, hướng con người đến cái đẹp, đấu tranh với những vấn đề tiêu cực...

Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất và phát sóng 12 chuyên mục về công tác nội chính và PCTNTC/ năm; phối hợp với Báo Quảng Trị xuất bản các trang báo về công tác PCTNTC; triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông; Sở Tư pháp; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC; phối hợp với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đưa nội dung các nghị quyết, chỉ thị, … của Trung ương, Tỉnh ủy về PCTNTC vào các chương trình, kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật…

Các cơ quan báo chí của tỉnh đã tích cực thông tin, tuyên truyền mục tiêu, quan điểm PCTNTC theo Kết luận 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; kết quả thực hiện về nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên…; giới thiệu, biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; đồng thời phản ánh những khó khăn, hạn chế, bất cập và những biểu hiện lãng phí, tiêu cực; qua đó giúp cho các cấp, các ngành kịp thời chỉ đạo, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm, ngăn chặn những tiêu cực của các cá nhân, tổ chức. 

Các đơn vị, địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTNTC; giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng với nhiều hình thức: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại các tuyến đường, trụ sở cơ quan có nội dung về PCTNTC; thông qua các đội tuyên truyền lưu động của các địa phương; tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng; sinh hoạt câu lạc bộ thơ, dân ca, câu lạc bộ “Lý luận trẻ”; các hội thi tìm hiểu pháp luật, PCTNTC bằng hình thức sân khấu hóa; cuộc thi tìm hiểu tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, cụ thể: Tổ chức truyền dạy dân ca; tuyên truyền lồng ghép nội dung PCTNTC vào công tác chiếu phim phục vụ cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa; sưu tầm, sáng tác các tác phẩm mới, xây dựng chương trình nghệ thuật tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ca ngợi bản sắc văn hóa truyền thống, quê hương đất nước trên đường đổi mới, một số tác phẩm tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, trong đó có tuyên truyền giáo dục liêm chính, PCTNTC; thực hiện trưng bày sách theo chuyên đề: “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào các dịp Kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống của đất nước, địa phương; thực hiện sưu tầm các ảnh tư liệu lịch sử về vùng đất  Quảng Trị phục vụ công tác tuyên tuyền, tham quan, học tập, nghiên cứu về giá trị văn hóa lịch sử tại địa phương…

Đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, số lượng tác phẩm có nội dung giáo dục liêm chính để PCTNTC ngày càng xuất hiện nhiều, thể hiện qua các cuộc thi sáng tác: Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ; sáng tác văn học, nghệ thuật chủ đề: “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”... Ngoài ra, tại các trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh mở, nhân các sự kiện của các ngành và địa phương cũng xuất hiện nhiều tác phẩm có nội dung giáo dục liêm chính, điển hình như: Trại sáng tác văn học và âm nhạc về chủ đề thành phố Đông Hà nhân kỷ niệm 10 năm Đông Hà trở thành thành phố (2009 - 2019); Trại sáng tác văn học và âm nhạc về chủ đề biên phòng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (1959 - 2019) ; Trại sáng tác Văn học và Âm nhạc với chủ đề “Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị - 50 năm vì sự nghiệp trồng người” (1972 -2022) ; trại sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề “Công an nhân dân với sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống” …

Thời gian tới, để công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính thông qua hoạt động văn hóa văn học, nghệ thuật đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ chúng ta cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giáo dục liêm chính nói riêng. Xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, đặc biệt nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Xây dựng các kế hoạch và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng thực hiện tuyên truyền, giáo dục liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; thực hiện việc rà soát, thay thế, sửa đổi các văn bản không còn phù hợp.

- Chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng phối hợp chặt chẽ trong nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng trong Đảng và trong xã hội để xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng nảy sinh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng và toàn xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội liên quan đến công tác PCTNTC, nhất là trên không gian mạng; không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ, gây rối về chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các chương trình, hoạt động nghệ thuật có nội dung tuyên truyền, giáo dục liêm chính; tăng cường công tác tuyên truyền cổ động trực quan về chủ đề PCTNTC tại các tuyến đường, khu dân cư; tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động giáo dục liêm chính thông qua văn hóa, văn học, nghệ thuật, kịp thời phát hiện và xử lý các sự việc sai sót, phát sinh. Mở một số cuộc thi, trại sáng tác VHNT có chủ đề về giáo dục liêm chính, góp phần nâng cao nhận thức về PCTNTC của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phát huy tối đa vai trò của các cơ quan báo chí, truyền hình trong công tác tuyên truyền, phát hiện đấu tranh phê phán các biểu hiện, dấu hiệu vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Minh Huyền

110 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1162
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1162
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 82096350