Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9- Nam Lào, ngày 19/3/2021 vừa qua, Tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - Giá trị lịch sử và hiện thực”.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
Quảng Trị - vùng đất nằm ở tâm điểm “khúc ruột miền Trung” của đất nước. Với vị trí trọng yếu ấy, Quảng Trị đã là “phên dậu” trong các cuộc trường chinh giữ nước và mở nước của cha, ông ta. Do đặc điểm về địa lí, nên xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị luôn là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự và chính trị đối với ta cũng như đối với địch. Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 3/1 đến 23/3/1971), quân và dân Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào đã gây tổn thất rất lớn cho quân đội Sài Gòn và quân Mỹ, làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phát triển mạnh mẽ thế chiến lược tiến công không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả cách mạng ba nước Đông Dương, tạo thế và lực mới, tạo ra so sánh lực lượng và thế trận có lợi cho cuộc đấu tranh vũ trang tiến tới giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 thực sự là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Với những ý nghĩa đó, Tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhằm đánh giá, khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào với sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…Những bài học từ Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Hội thảo cũng là dịp để thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, với quân và dân nước bạn Lào anh em và đặc biệt là quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhẹt, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì sự trường tồn của hai dân tộc, vì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học; nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, các bài tham luận đã tập trung làm rõ các vấn đề lớn:
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, thể hiện trong việc quyết định mở chiến dịch phản công kịp thời giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng còn thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Để kịp thời động viên bộ đội, sát ngày mở chiến dịch, Bộ Chính trị gửi một bức thư, nhấn mạnh: “Nhất thiết đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và sự hy sinh như thế nào vì đây là một trong những trận đánh quyết định về chiến lược”. Bức thư gửi đến làm cho tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Vì cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
|
Bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh: TTXVN.
|
Công thức điển hình của đế quốc Mỹ hòng để giành chiến thắng trong chiến lược này là quân đội Sài Gòn-cố vấn Mỹ-hỏa lực và hậu cần Mỹ. Tuy nhiên, cố gắng của đối phương càng cao thì càng thất bại nặng nề. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta về trình độ tác chiến trập trung hiệp đồng binh chủng, mở ra điều kiện đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền nam. Chiến thắng này còn là biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Đảng, chính phủ và quân đội nhân dân giữa hai nước thường xuyên củng cố, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ đoàn kết, cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tiến tới xây dựng đất nước vững mạnh mọi mặt.
XÂY DỰNG TRỞ THÀNH TỈNH VỮNG MẠNH
Phát huy hào khí chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nền kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực cho sự phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,16%, cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020. Hệ thống đô thị phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; toàn tỉnh có 55% số xã và 01/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ chỗ là vùng trắng về công nghiệp trong những ngày đầu lập lại tỉnh, theo dòng thời gian, 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, trên 7.700 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều nhà máy quy mô khá lớn được hình thành. Các ngành công nghiệp có thế mạnh như dệt may, chế biến gỗ, chế biến nông hải sản, năng lượng… được tập trung thu hút đầu tư. Công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phát triển nhanh chóng; tổng công suất phát điện cuối năm 2020 đạt 377MW, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2015, dự kiến cuối năm 2021 sẽ có thêm 900MW điện gió, điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia. Tháng 1 năm 2021, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó giai đoạn 1 quy mô 1.500MW. Cùng với các dự án nhiệt điện than 1.320MW, nhiệt điện khí 340MW (sử dụng khí mỏ Báo Vàng) và nguồn khí trữ lượng rất lớn được phát hiện từ mỏ Kèn Bầu… hứa hẹn tương lai không xa Quảng Trị sẽ trở thành một trong những Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và cả nước.
|
Các chiến sĩ quân Giải phóng trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ƯU
|
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, trong 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 60.947 người, tạo việc làm mới cho 61.712 người. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% năm 2020, 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, công tác dân số được quan tâm thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,43% năm 2015 xuống còn 6,43% năm 2020. Văn hoá, thể dục, thể thao có những mặt chuyển biến tích cực.
Du lịch có bước phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Những địa danh ghi đậm dấu ấn trong chiến tranh vệ quốc như Tà Cơn - Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ, Thành cổ Quảng Trị… được đầu tư tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống vừa khai thác phục vụ du lịch. Các lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu Xuyên á”, “Hoa đăng trên sông Thạch Hãn”… để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Tua du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm cải thiện, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã tìm đến Quảng Trị.
Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, phát huy hiệu quả, thực hiện đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đường 9 năm xưa chiến công lẫy lừng, nay đã trở thành con đường Xuyên Á, với điểm khởi đầu về phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị, là “đường lớn đã mở” cho Quảng Trị cất cánh trong thời kỳ hội nhập. Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng dòng chảy hàng hóa hai chiều qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vẫn không ngừng gia tăng. Năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 riêng hàng hóa quá cảnh qua tuyến đường 9, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã mở 21.400 tờ khai cho 1,95 triệu tấn hàng hóa, trị giá 10,6 tỷ USD. Không chỉ hàng hóa từ Lào, Thái Lan, nhiều hàng hóa từ Singapo, Malaixia quá cảnh qua Thái Lan, Lào về Việt Nam qua tuyến Đường 9 đi Trung Quốc, Châu Âu, Canađa. Điều đó nói lên tiềm năng to lớn và vị trí chiến lược của tuyến hành lang giao thông huyết mạch này.
|
Thành phố Đông Hà (Quảng Trị)
|
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về quân sự, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Bộ máy chính quyền được xây dựng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy. Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, hướng về cơ sở.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được tăng cường, việc giáo dục chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện đồng bộ.
Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, đã sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó, giảm 18 tổ chức cơ sở đảng và 268 chi bộ trực thuộc; giải thể chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, đưa đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ khu dân cư. Công tác cán bộ được chú trọng, tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đúng Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực, công tác dân vận có nhiều đổi mới, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được tăng cường, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới.
Những thành quả đáng trân trọng đó sau 50 chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971 chính là sự nối tiếp truyền thống quang vinh của các thế hệ cha anh đi trước, là kết tinh của cả quá trình nỗ lực phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà cùng chung một ý chí mạnh mẽ một nghị lực lớn lao, với một quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực cống hiến quên mình./.
Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị