Quảng Trị: Phát hiện thêm nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng 

(CLO) Thời gian vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Quảng Trị đã phát hiện thêm nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; theo đó, một số cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây xôn xao dư luận, làm cho người dân giảm sút lòng tin

Trục lợi từ chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ...

 

Từ tháng 11 đến tháng 12/2017, theo Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016-2020, có 13 con bò giống được cấp nuôi cho xã Triệu Độ,  huyện Triệu Phong. 

Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo xã nhận bò từ nguồn chính sách về đã không thông báo công khai cho người dân mà tự ý chia cho người nhà của các cán bộ xã. Đặc biệt trong số đó, nhiều con bò bị đưa vào lò mổ giết thịt, đem bán.

Trong những hộ nhận bò giống có ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng công an xã Triệu Độ; ông Trần Văn Quốc, chủ lò mổ, anh ruột của ông Tuấn; ông Hoàng Thanh Chiến - cán bộ văn phòng UBND xã; bà Trần Thị Huệ (vợ ông Nguyễn Văn Thắng - kế toán trưởng UBND xã); ông Trần Hiếu (em ruột bà Huệ) và ông Hồ Văn Thành (anh ruột ông Hồ Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã).

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ nói: “Chính tôi là người trực tiếp triển khai việc phân bổ bò giống, do thời gian đăng ký nhận bò giống chỉ còn 2 tiếng đồng, sợ hết thời gian, tôi phải liên hệ với các cán bộ xã khác cùng người thân để có 10 con bò diện chính sách hỗ trợ”. Giải thích việc bò giống bị giết,  ông Hồng nói: “Sau khi nhận bò về nuôi một thời gian, do bò không thích nghi với điều kiện khí hậu, bỏ ăn, gầy yếu nên buộc phải giết thịt”. 

Trong khi đó, Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 quy định đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, khi đã giao nhận bò, người chăn nuôi phải cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 48 tháng đối với trâu, bò trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh. 

... Đến dự án xây dựng các điểm trung chuyển rác thải

Ngày 8/8/2017, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đã ký phê duyệt kế hoạch xây dựng lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình: Điểm trung chuyển rác thải của các thôn, hợp tác xã trên địa bàn toàn huyện. Đây là dự án do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Hải Lăng làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngày 10/8/2017, Phòng TNMT tiến hành ký hợp đồng xây dựng mới 42 hố gom rác, thể tích mỗi hố là 20,3 mét khối với tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ đồng (nguồn vốn sự nghiệp môi trường); Công ty TNHH MTV Thành Lợi (thị trấn Hải Lăng) được chỉ định thầu làm đơn vị thi công, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng ĐT 11 (thị xã Quảng Trị) làm giám sát. Thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày (tức là ngày 10/11/2017 công trình phải hoàn thành đưa vào sử dụng).

 

 Công trình hố gom rác "không chịu xây dựng" (Ảnh: Cái Văn Long)

Tuy nhiên, khi phóng viên đi khảo sát thực địa tại các điểm đã được phê duyệt xây dựng thì chỗ có xây, chỗ không xây, chỗ thì xây còn dang dở rồi bỏ hoang nhưng số tiền của dự án này vẫn được giải ngân từ năm trước.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Hải Lăng khẳng định: “Chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành thì kho bạc chúng tôi mới giải ngân vốn. Dự án 42 Điểm trung chuyển rác thải nêu trên kho bạc đã giải ngân hết từ ngày 30/10/2017 với số tiền: 993.596.000 đồng”. Bà Hằng nói thêm: “Nếu không có khối lượng mà chủ đầu tư, đơn vị giám sát và đơn vị thi công ký vào biên bản nghiệm thu giá trị thi công xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, để chuyển sang kho bạc thì những đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Sử dụng thuốc hết "đát" cho người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế

Ngày 9/6/2015, Khoa nội soi Trung tâm y tế huyện ĐaKrông dự trù 100 Test chẩn đoán dạ dày, nhưng bộ phận được nhập về 300 Clotest Helycobacter.pylori hạn dùng đến tháng 11/2015. Ngày 13/4/2016, trung tâm này nhập thêm 100 Clotest Pylori có hạn dùng đến tháng 11/2016. Do loại sinh phẩm này chỉ có hạn dùng 6 tháng lại được nhập về nhiều hơn nhu cầu sử dụng dẫn đến tồn kho, hết hạn với số lượng lớn. Mặc dù sinh phẩm đã hết hạn nhưng Trung tâm y tế (TTYT) huyện ĐaKrông vẫn tiếp tục sử dụng đến thời điểm cuối năm 2017 khi còn 31 test mới đem đi tiêu hủy.

Hiện nay, có 8 cán bộ, nhân viên y tế đơn vị này phải viết bản tường trình về việc liên quan đến việc sử dụng sinh phẩm Pylori Test (Clotest) hết “đát” đã 2 năm để xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) có khả năng gây ung thư dạ dày. 

Các cán bộ, nhân viên y tế  trên gồm các ông Châu Văn Hiền (Giám đốc); Đinh Quang Nhật (Phó Giám đốc); 2 dược sĩ phụ trách công tác dược giai đoạn 2015-2016 và 2017; 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Trong khi tiến hành giám định hoạt động khám chữa bệnh về bảo hiểm y tế ở TTYT Đakrông tháng 12-2017 và quý I-2018, BHXH Đakrông đã phát hiện TTYT huyện này sử dụng sinh phẩm Pylori Test cho người dân đã hết hạn từ 26/11/2015.

Kể từ thời điểm sinh phẩm hết hạn sử dụng đến khi phát hiện, TTYT Đakrông đã sử dụng số sinh phẩm hết hạn đó cho hàng trăm bệnh nhân. Qua kiểm tra và tính toán, BHXH tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu thu hồi 64,5 triệu đồng từ TTYT huyện này trong năm 2015-2016 đồng thời xuất toán 15,8 triệu đồng trong năm 2017 do việc sử dụng sinh phẩm kể trên và các thuốc men, vật tư y tế kèm theo vi phạm về quy định khám chữa bệnh và vi phạm pháp luật. Trong đó, riêng dịch vụ nội soi can thiệp làm Clotest chẩn đoán nhiễm HP là 28,5 triệu đồng. 

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Trị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Cái Văn Long

461 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 649
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 649
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87240235