Ngày 25/8, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trả lời Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải về việc nhà đầu tư này đề xuất đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị về việc xin đầu tư Dự án này, cam kết tự bỏ kinh phí để cùng với tỉnh Quảng Trị thực hiện các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải mong sớm nhận được sự đồng tình của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị.
Lưu lượng phương tiện tăng cao khiến nhiều thời điểm một số đoạn tuyến QL9, tỉnh Quảng Trị bị quá tải
Để thể hiện quyết tâm và mong muốn đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Tập đoàn Sơn Hải cũng vừa có văn bản xin bổ sung hồ sơ đề xuất thực hiện dự án PPP này.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có địa chỉ tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm qua, Sơn Hải được biết đến là nhà đầu tư và nhà thầu thực hiện nhiều dự án lớn về giao thông, thủy lợi, thủy điện, bất động sản...
Trong đó, tại dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng theo hình thức BT, Tập đoàn Sơn Hải góp vốn đầu tư và đảm nhận thi công với trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.
Sơn Hải cũng đang là nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, dự án này đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung vào Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng Tuyến cao tốc Cam Lộ- Lao Bảo theo phương thức PPP. Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cũng đã có các văn bản về cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án này theo phương thức PPP.
Ngày 15/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản về việc cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.
Một đoạn QL9 từ TP Đông Hà lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất. Bộ GTVT kiểm tra, giám sát UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện Dự án phù hợp quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài quy hoạch dự kiến là 70km, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với vị trí địa chiến lược quan trọng của Quảng Trị trong việc đảm bảo QPAN và phát triển KT-XH của khu vực; tỉnh này đã được quy hoạch xây dựng 2 tuyến đường bộ cao tốc dài 141km, gồm cao tốc Bắc - Nam dài 71km và cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km.
Đồng thời, tuyến QL9 đoạn từ TP Đông Hà đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dài 83km được xây dựng, nâng cấp hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2006 với quy mô đường cấp II, 2 làn xe. Thời gian qua, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên QL9 tăng cao, đặc biệt xe container vận chuyển hàng hoá sang Lào và ngược lại gây ra tình trạng quá tải, ùn tắc, mất ATGT, gây khó khăn cho các hoạt động thương mại trên QL9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, tỉnh này ở điểm đầu Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. QL9 là một trong những cầu nối rất quan trọng, thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay. Đồng thời là con đường ngắn nhất nối hai đại dương (Đại Tây dương và Ấn Độ dương), cũng là con đường ngắn nhất kết nối 2 thị trường lớn (Trung Quốc và Ấn Độ) chiếm gần một nửa dân số thế giới…
Dự báo trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, các chỉ số hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hàng quá cảnh sẽ tăng cao, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hoá, mỗi ngày có 550-600 lượt phương tiện qua về cửa khẩu.
Bên cạnh đó, hiện nay các trục dọc của quốc gia như QL1 đã hoàn thành đầu tư nâng cấp với quy mô 4 làn xe và đang đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Tuý Loan. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất cấp thiết.
https://www.baogiaothong.vn/quang-tri-noi-gi-viec-tap-doan-son-hai-xin-dau-tu-cao-toc-cam-lo-lao-bao-d563750.html