Quảng Trị có tổng số 2.312 tàu thuyền/7.163 lao động, sản lượng khai thác biển hơn 30.000 tấn mỗi năm. Những năm gần đây, việc khai thác thủy sản chuyển từ đánh bắt truyền thống, gần bờ sang đánh bắt xa bờ, hiện đại. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như chế biến ngày càng được đầu tư. Nhiều sản phẩm thủy sản đã được xuất khẩu sang thị trường Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Lĩnh vực thủy sản đã khẳng định được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, xã hội của địa phương. Bởi vậy, tỉnh Quảng Trị luôn xác định, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, phát triển ngành thủy sản, cần quyết liệt duy trì việc khai thác thủy sản theo quy định để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 266 tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 201 tàu đã lắp đặt. Trong số 65 tàu chưa lắp đặt, có 50 tàu còn vướng các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đang triển khai cải hoán hoặc lắp đặt cho số tàu còn lại này, đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các tàu cá hoạt động trên biển, nhất là vùng biển vịnh Bắc bộ, vùng biển Hoàng Sa không được vượt ranh giới cho phép đã được cài đặt trên hệ thống giám sát hành trình. Công tác tuần tra, kiểm sát xử lý tàu cá vi phạm tại cảng cá, bến và trên biển cũng được tiến hành đồng bộ.
Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, tổng kiểm tra, kiểm soát hàng trăm lượt tàu cá, qua đó, phát hiện và xử lý hàng chục vụ tàu cá vi phạm về các nội dung như: Không có giấy đăng ký, giấy phép khai thác thủy sản quá hạn, tàu lưới kéo hoạt động ven bờ trái quy định... với tổng số tiền phạt là 199 triệu đồng.
Văn phòng kiểm soát nghề cá tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt đã thực hiện nghiêm Thông tư số 21/2018/NĐBNNPTNT ngày 15-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm tra, thống kê tàu cập cảng, rời cảng của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh khác. Đối với tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản, cơ quan chức năng đã thống kê, giám sát lượng hải sản các loại.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế quá trình sản xuất của các tàu cá; kiểm tra quá trình cập cảng, rời cảng và công tác ghi, nộp sổ nhật ký khai thác ở các cảng cá đảm bảo theo đúng quy định; phối hợp với Chi cục Thủy sản, Công an tỉnh tập huấn các văn bản pháp luật về biển, đảo, Luật Thủy sản năm 2017, các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Quảng Trị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp đến với 117 Bí thư chi bộ, trưởng thôn tại 11 xã, thị trấn ven biển của tỉnh.
Trong thời gian qua, không có tàu cá và ngư dân tỉnh Quảng Trị vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, tuy nhiên, vẫn còn trường hợp vượt ranh giới cho phép được hệ thống giám sát hành trình cảnh báo. Bởi vậy, các đồn Biên phòng tuyến biển, đảo đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Gần đây nhất, ngày 13-2-2022, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ chủ trì, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ tàu 4038 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 tổ chức tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho 150 ngư dân của 20 tàu cá trong và ngoài tỉnh Quảng Trị đang hoạt động và neo đậu tại đảo Cồn Cỏ. Tại đây, lực lượng phối hợp đã tiến hành tuyên truyền, cấp phát tờ rơi có nội dung chống khai thác hải sản bất hợp pháp; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản và tình hình an ninh, trật tự trên biển.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng lưu ý thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát tàu cá theo đúng quy định; cách dò tần số khi tàu thuyền của ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển không may gặp sự cố cần trợ giúp.
Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cho biết, hoạt động tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp góp phần vào sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của ngư dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trong khu vực trong quá trình khai thác trên biển. Bên cạnh đó, việc cung cấp các thông tin pháp luật cũng động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hòa Bình