Quảng Trị: Những kết quả tích cực của năm học 2022 – 2023 

Năm học 2022-2023, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục & Đào tạo, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ, chia sẻ của Nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Ngành Giáo dục, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 16/8/2023, toàn tỉnh còn 399 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 39 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục; 12 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và 14 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Kết thúc năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh là 177.925 em, tăng 2.696 em so với năm học trước.

Trong năm học 2022-2023, nhiều đơn vị, trường học đã tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước có ý nghĩa như: Tổ chức các chương trình “Sinh hoạt truyền thống” dưới Cờ; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức diễn đàn thanh niên, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống; xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”…

Trẻ 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,98%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt tỷ lệ 99,97%; trẻ 5 tuổi học 02 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100% và trẻ 5 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tỷ lệ 100%. Tổng số trẻ em 6 tuổi huy động vào lớp đạt tỷ lệ 99,97%; tổng số trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 96,09%; tổng số trẻ em từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 98,5% và tổng số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tỷ lệ 99,05%.

Số thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 95,31%; số thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục chuyên nghiệp đạt tỷ lệ 85,73%; thanh thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tỷ lệ 91,79%. Tổng số thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT, Giáo dục thường xuyên, Trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề đạt tỷ lệ 92,94% và tổng số thanh thiếu niên từ 18 đến 21 tuổi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 đạt tỷ lệ 97,03%.

Về phổ cập giáo dục mầm non, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học; đạt mức độ 1 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đạt mức độ 2 về xóa mù chữ.

    Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 195/367, đạt tỷ lệ 53,13%, trong đó: Mầm non có 97/147 trường, đạt tỷ lệ 65,99%; Tiểu học có 33/67 trường, đạt tỷ lệ 49,25%; TH&THCS có 30/87 trường, đạt tỷ lệ 34,48%; THCS có 25/42 trường, đạt tỷ lệ 59,52%; THPT có 10/24 trường, đạt tỷ lệ 41,67%; THCS&THPT có 0/7 trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên; kỷ cương, nền nếp văn hóa công sở, văn hóa học đường được quán triệt, tăng cường có hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các trường học, giáo viên và học sinh chuyển biến mạnh mẽ; các trường học đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức hoạt động dạy học, hướng dẫn ôn tập, phụ đạo kiến thức cho học sinh phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế đơn vị; hoàn thành chương trình và kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh, tổng kết năm học đảm bảo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT tiếp tục được nâng lên...

Tuy vậy, ở một số nơi vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Ở một số môn học, giáo viên chưa được đào tạo hoặc còn thiếu giáo viên để dạy học. Việc tích hợp các môn cấp THCS còn tạo ra khó khăn trong việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Việc tổ chức dạy học hoạt động trải nghiệm còn lúng túng, thiếu khoa học. Ở một số trường học, công tác bồi dưỡng thường xuyên chưa thực sự hiệu quả, chưa thể hiện rõ việc áp dụng các nội dung bồi dưỡng vào trong các hoạt động dạy học; một số trường học lựa chọn chuyên đề và tổ chức sinh hoạt chưa phù hợp và chưa thực sự hỗ trợ giáo viên tháo gỡ khó khăn trong dạy học.

Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch với học sinh vùng thuận lợi. Chất lượng giáo dục đại trà của một số môn học còn thấp. Công tác phân luồng học sinh sau trung học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý giáo dục học sinh còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng học sinh vi phạm nền nếp, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Một số địa bàn vùng biên giới và đô thị có nguy cơ ma túy xâm nhập vào học đường...

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều trường học thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn; tỷ lệ nhà vệ sinh và nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao. Công tác mua sắm thiết bị dạy học còn gặp khó khăn, quy trình thủ tục đấu thầu kéo dài, các danh mục thiết bị dạy học có những điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện nên cung cấp cho các trường học chưa kịp thời, gây khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tuy có nâng lên nhưng chất lượng giáo dục ở một số đơn vị chưa xứng tầm, khai thác chưa hiệu quả cơ sở vật chất, thiếu quan tâm bổ sung trang thiết bị và đầu tư chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục. Một số trường học còn thiếu quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình trường học và làm sân chơi, bãi tập cho học sinh. Nhiều trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm công nhận lại không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

    Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực giáo dục đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, ngành giáo dục và đào tạo đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; rà soát quy hoạch và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và tăng cường các hoạt động xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành; đẩy mạnh công tác truyền thông, các phong trào thi đua trong toàn ngành và công tác thi đua, khen thưởng; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Hồng Bốn

223 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 657
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 657
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89004345