Quảng Trị: Những kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị  

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một việc làm quan trọng, khó và cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; các cơ quan truyền thông thông qua Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy, “Tài liệu Sinh hoạt Chi bộ”, hội nghị, hội thảo, giao ban... để tuyên truyền nội dung Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản liên quan “Về tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập”.

Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị mở chuyên mục “Khuyến học, khuyến tài”, mỗi tháng một số với dung lượng 10 phút; phối hợp với Báo Quảng Trị xây dựng chuyên mục“Vì một xã hội học tập” mỗi tháng hai chuyên mục nhằm chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã tạo được sự đồng thuận của Nhân dân. Cùng với đó, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã xây dựng Trang Website và xuất bản bản tin “Khuyến học Quảng Trị” nhân các sự kiện lớn của Hội, góp phần quảng bá hình ảnh của Hội và kêu gọi các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài cũng như việc xây dựng xã hội học tập.

Với những cách làm phù hợp, sáng tạo, thường xuyên, liên tục, có điểm nhấn, công tác tuyên truyền Chỉ thị 11-CT/TW đã đạt những kết quả quan trọng; nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ngày càng sâu sắc hơn. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội theo tinh thần “cần gì học nấy” đã lan tỏa về tận các thôn, bản, khu phố, dòng họ, gia đình và từng cá nhân, được Nhân dân hưởng ứng nhiệt tình; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở , Trung học phổ thông, đào tạo từ xa được quan tâm phát triển. Năm 2006, tỉnh được công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Tiểu học - Đúng độ tuổi. Hiện tại, tỉnh Quảng Trị được công nhận mức độ 2 chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục Tiểu học. Phát huy kết quả đã đạt được, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW, 10 năm qua tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục đầu tư nguồn lực để duy trì và làm tốt hơn công tác phổ cập Trung học cơ sở. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 41.943/42.611 em trong độ tuổi từ 11-14 tốt nghiệp bậc tiểu học (đạt tỷ lệ 98.4%); 10.846/10.880 em đã tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 (đạt tỷ lệ 99.7%); Số học sinh trong độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS: 40.084/43.463 (đạt tỷ lệ 92.2%). Toàn tỉnh có 141/141 xã duy trì phổ cập giáo dục THCS (đạt tỷ lệ 100%); trong đó, số xã đạt chuẩn mức độ 1: 30 xã; mức độ 2: 54 xã; mức độ 3: 57 xã; số huyện đạt chuẩn mức độ 1: 7 huyện; mức độ 2: 2 huyện (trừ huyện Đảo Cồn Cỏ mới thành lập). Năm 2016, tỉnh Quảng Trị được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt mức độ 1 chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Toàn tỉnh có 86,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10; Tỉ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT quốc gia bình quân trong 10 năm qua gần 99%; Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào Đại học, Cao đẳng hàng năm đạt 39,25%; Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào THCN, học nghề: 18,8%; đi nghĩa vụ quân sự 4,2%; lao động khác 37,8%. Căn cứ vào tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 61/141 xã đạt 4/4 chuẩn (tỷ lệ 43.2%).

Hiện có 141/141 xã, phường, thị trấn (tỉ lệ 100%) đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 1. Trong đó, số xã đạt chuẩn mức độ 1 có 20 xã; mức độ 2 là 121 xã; số huyện đạt chuẩn mức độ 1 có 5 huyện; mức độ 2 có 4 huyện; 9/10 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (trừ huyện Đảo Cồn Cỏ mới thành lập). Phong trào học tập nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tay nghề trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động ngày càng phát triển. Tỉnh đã liên kết với các trường Đại học trong khu vực mở các lớp đại học từ xa. Hàng năm, số người tham gia học theo hình thức từ xa khoảng 200 đến 400. Cao điểm năm 2012, 2013 có 600 đến 700 người. Quy mô đào tạo: Chủ yếu tập trung vào các ngành Luật, Sư phạm và một số ngành khác như: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Khoa học quản lý…

Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có Trường Chính trị Lê Duẩn và 9 Trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cấp huyện; 30 cơ sở dạy nghề. Về cơ bản, Trường Chính trị Lê Duẩn, các Trung tâm BDLLCT, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ các cấp và học nghề của người lao động, nhất là lao động nông thôn. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, bình quân mỗi năm số lao động nông thôn qua đào tạo nghề khoảng gần 4.000 người; số người khuyết tật được đào tạo nghề mỗi năm khoảng trên dưới 100 người. Nhiều mô hình điểm dạy nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao, đang được nhân rộng, như: trồng cây ném; cây sắn; các loại hoa; nghề kỹ thuật chế biến nước mắm; nghề may công nghiệp... Ngoài ra, hàng năm các sở, ban ngành, đoàn thể căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình cụ thể để đào tạo, đào tạo lại hoặc cập nhật thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ nâng cao hiệu quả công tác.

Việc củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh là yếu tố quan trọng để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển bền vững, chính vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất quan tâm đến công tác này. Đến nay, toàn tỉnh có 3.404 tổ chức hội với 170.187 hội viên (chiếm 27,4% dân số); tăng 1.003 tổ chức Hội và 28.103 hội viên so với trước khi thực hiện Chỉ thị. So với toàn quốc, Hội Khuyến học Quảng Trị đứng thứ 8 về quy mô tổ chức hội và tỷ lệ huy động hội viên. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, hệ thống tổ chức khuyến học đã phát triển khá mạnh và rộng khắp. Nhiều đơn vị khuyến học đã tổ chức phát thẻ hội viên, duy trì sinh hoạt khá đều, có chương trình kế hoạch hoạt động, có sơ kết, tổng kết nên đã duy trì, phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Việc xây dựng gia đình hiếu học; cộng đồng, dòng họ, cơ quan doanh nghiệp, đơn vị khuyến học; xây dựng mô hình học tập suốt đời luôn được nhân rộng trong toàn tỉnh. Hiện có 88.837 hộ đăng ký mô hình “Gia đình học tập”, trong đó 65.340 gia đình đã được công nhận (tỷ lệ 73,6%); 1.012 dòng họ đăng ký mô hình “Dòng họ học tập”, trong đó 761 dòng họ được công nhận (tỷ lệ 75,2%); 773 cộng đồng đăng ký mô hình “Cộng đồng học tập”, trong đó 566 cộng đồng được công nhận (tỷ lệ 73,2%); 499 đơn vị đăng ký mô hình “Đơn vị học tập”, trong đó 401 đơn vị được công nhận (tỷ lệ 80,4%). Đối với mô hình “Cộng đồng học tập cấp xã”, mặc dù Hội Khuyến học Việt Nam mới triển khai vào tháng 4/2016, nhưng đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 25 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố đạt từ 11-15 tiêu chí; trong đó 10 xã đạt 15 tiêu chí và 15 xã đạt 11-14 tiêu chí. Đây là những kết quả ban đầu nhưng rất quan trọng để Hội Khuyến học tỉnh cũng như Hội Khuyến học các cấp có thêm kinh nghiệm chỉ đạo mô hình này trong những năm tới.

Hiện nay trên toàn tỉnh Quảng Trị có 1.094 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), tăng hơn 4 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Với quan điểm vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện “mô hình”, các TTHTCĐ trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu “cần gì, học nấy” ở cơ sở. Tính đến tháng 11/2016, các TTHTCĐ đã mở được 1.498 lớp với 59.636 lượt người tham gia học tập. Chương trình “đào tạo” của các TTHTCĐ tập trung vào việc: chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; về các kiến thức pháp luật. Ngoài ra, thông qua TTHTCĐ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các đoàn thể chính trị các cấp tổ chức hội nghị thông tin thời sự; tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội, đoàn thể...nhằm cập nhật thông tin góp phần phát triển các làng nghề truyền thống; hình thành các vùng chuyên canh ra sạch... nâng cao chất lượng hoạt động của hội, đoàn thể ở cơ sở. Qua đó, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước xoá đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công tác xã hội hoá khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đặc biệt  xây dựng và phát triển quỹ khuyến học. 10 năm qua, toàn tỉnh huy động được hơn 246 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã trao học bổng các loại cho 41.365 lượt học sinh, đỡ đầu dài hạn 15.369 lượt học sinh, sinh viên nghèo, tiếp sức đến trường 2.890 sinh viên, khen thưởng các cấp 354.571 người, tặng 3.021 xe đạp, 628 máy vi tính…Giải thưởng Bùi Dục Tài - giải thưởng cao nhất của chính quyền địa phương dành cho những người học đạt thành tích xuất sắc (công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên…) được trao hàng năm thực sự khích lệ các gương sáng hiếu học nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Quảng Trị đã có những kết quả quan trọng. Tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khá đồng bộ; mạng lưới tổ chức khuyến học phát triển rộng khắp và hoạt động tương đối đồng đều, hiệu quả; đa số cán bộ làm công tác khuyến học tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm. Các phong trào phát triển ngày càng đa dạng, phong phú cả về hình thức, nội dung nên đã thu hút và khích lệ tinh thần thi đua học tập của mọi tầng lớp Nhân dân. Công tác xã hội hóa khuyến học được đẩy mạnh; các ban, ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ tạo sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài; nguồn quỹ khuyến học được huy động năm sau cao hơn năm trước đáp ứng cơ bản công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

                                                                                                Anh Tuấn -Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

938 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 758
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 758
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87030198