Quảng Trị: Những chuyển biến sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới”. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu, kế hoạch về DS - KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU, ngày 27/4/2018 “Về công tác dân số trong tình hình mới”; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND, ngày 23/7/2020 về Chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4079/ KH-UBND, ngày 19/9/2018 về thực hiện Chương trình hành động số 110-CTHĐ/ TU và Kế hoạch hành động số 5703/KH-UBND, ngày 11/12/2020 về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Các mô hình can thiệp truyền thông tại cộng đồng được nhân rộng và nâng cao chất lượng. Mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên triển khai tại 37 xã, phường, thị trấn; mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được triển khai tại 18 xã, phường, thị trấn, thành lập được 36 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”. Đặc biệt, mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục được các địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện. Từ năm 2018 đến nay có thêm 50 thôn, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình; có 38 thôn, khu phố đạt thành tích 3 năm liên tục và 26 thôn, khu phố đạt thành tích 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ cơ bản đáp ứng nhu cầu của người sử dụng  theo hướng đa dạng, thuận tiện và an toàn. Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được tăng cường qua kênh xã hội hóa. Tỉ suất sinh thô giảm từ 15,50/00 năm 2017 xuống còn 14,60/00 năm 2020, giảm bình quân trên 0,30/00 /năm; tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,85 con năm 2017 xuống 2,43 con năm 2020; tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%; tỉ số giới tính khi sinh giảm từ 112,8 trẻ nam/100 trẻ nữ năm 2017 xuống 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ năm 2020; tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc bình quân đạt trên 35%/năm, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh được sàng lọc đạt bình quân 25%/năm; tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng từ 15% năm 2017 lên 35% năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS- KHHGĐ đang gặp một số khó khăn thách thức như: Tổng tỉ suất sinh vẫn đang ở mức cao 2,43 con/bà mẹ. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa đạt mức sinh thay thế; mức sinh giảm chậm và không ổn định, không đồng đều giữa các vùng, tổng tỉ suất sinh ở các huyện miền núi còn rất cao; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng từ 20,3% (năm 2018) lên 22,0% (năm 2020); số lượng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tăng so với những năm trước; tỉ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; chưa tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng; chất lượng dân số vẫn còn thấp, tuổi thọ trung bình của người dân chỉ mới 68,3 tuổi, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước là 73,6 tuổi..

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh uỷ, rất cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của các cấp, các ngành; trước hết là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng quy mô gia đình 2 con nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội để tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ... góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh uỷ; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./. Lệ Thu

625 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 715
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 715
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76868386