Những hàm ếch ở thân đê khiến dân làng "sốt vó"
Có mặt tại tuyến đê biển ở thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, theo quan sát của chúng tôi, sóng biển đã ăn sâu vào phần chân đê gây sạt lở nghiêm trọng. Nhiều vị trí bị xói mòn lộ cả phần móng bê tông bên dưới mặt đê tạo nên những hàm ếch rất nguy hiểm khiến mặt đê có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Dẫn chúng tôi đến một số điểm sạt lở ở thân đê, ông Nguyễn Hữu Hậu (33 tuổi), thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết, sau bão số 10 tình trạng sạt lở đất trên địa bàn rất nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến đê biển của xã. Bây giờ sóng đã ăn sâu vào tận móng của chân đê, chỉ cần một trận bão lớn là có thể cuốn trôi cả con đê, đe dọa trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân đang sinh sống phía sau đê nên bà con lo lắng rất nhiều.
Một hàm ếch bị sạt lở trên tuyến đê biển đoạn đi qua thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái.
|
Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thái có chiều dài hơn 14 km, được bê tông hóa hơn 6 km, còn 4 km đê là đất yếu và cát. Theo quan sát, đối với đoạn đê được đắp bằng cát, nhiều cây cối có chức năng phòng hộ bị sóng cuốn trơ gốc chết khô ngay dưới chân đê, phần thân đê bị sạt lở ăn sâu vào đất liền. Đặc biệt, đoạn qua thôn Mạch Nước đến thôn Đông Luật của xã Vĩnh Thái có nơi biển đã lấn sâu vào đất liền gần 100m.
Ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh chia sẻ, những năm qua chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động trồng các loại cây chắn sóng để giảm thiểu thiệt hại cho đoạn đê do biến đổi khi hậu.
Tuy nhiên, do qua nhiều đợt bão, trên tuyến đê bị sóng biển đánh vào đưa cát đi khiến chân đê bị xói lở, cây cối trồng để chắn đê bị đổ ngã. Thực trạng trên cần được khắc phục kịp thời nếu không nguy cơ sập mặt đê là rất lớn. Vừa qua, địa phương cũng đã đặt vấn đề với Chi cục Thủy lợi có kế hoạch để đổ đất hàn gắn kịp thời, tuy nhiên chỉ khắc phục được một phần.
Bài toán nan giải cho địa phương vùng khó
Tuyến đê biển ở xã Vĩnh Thái chỉ là một trong số nhiều tuyến đê, kè bị sạt lở ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cả tỉnh hiện có hệ thống đê dài 176,72 km, bao gồm các loại đê như: đê biển, đê cửa sông, đê bao, đê chuyên dùng.
Bên cạnh đó, có 40,56km các tuyến kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Dưới tác động của thiên tai đặc biệt là sau các cơn bão lớn như bão số 4, số 10 vừa qua hiện nay rất nhiều tuyến đê, kè xung yếu bị sạt lở nghiêm trọng như: Đê hữu Thạch Hãn (huyện Triệu Phong) bị sạt lở nghiêm trọng ở mái đê và chân đê; Đê tả Thạch Hãn bị sạt mái, xói lở chân đê; Đê hữu Bến Hải bị xói lở và cuốn trôi rất nhiều vị trí, dọc tuyến mái đê bị sụt lún; tuyến đê Hải Dương (huyện Hải Lăng) nhiều vị trí xung quanh các trạm bơm bị xói ngầm, sạt mái.
Tuyến đê biển đoạn đi qua thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, bị sạt lở nghiêm trọng.
|
Hay hệ thống đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng bị hư hỏng nguy hiểm, sạt lở dọc bờ sông với tổng chiều dài hơn 13km gây ảnh hưởng đến an toàn của công trình; đê hữu Mai Lĩnh đoạn qua xã Hải Hòa (huyện Hải Lăng) phía chân khay của đê bị xói lở và cuốn trôi, mái đê sạt trượt, thân đê sụt lún, hở hàm ếch, nguy cơ gây vỡ đê trong mùa lụt bão ảnh hưởng tới hơn 1.100 ha lúa 2 vụ thuộc 3 xã Hải Dương, Hải Hòa, Hải Tân;
Tuyến kè thuộc khu vực sông Hiếu nối với cửa biển Cửa Việt, huyện Gio Linh có chiều dài 3,2km bị sạt lở hàng chục đoạn, bình quân các điểm sạt lở có chiều dài khoảng 1- 2m, điểm nặng khoảng 3- 4m…
Mức độ sạt lở nghiêm trọng như vậy tuy nhiên biện pháp xử lý chỉ ở cấp độ tạm thời bằng những phương pháp thủ công như dùng cọc tre, bao tải đất, phên, bó cây, rọ đá... để chống sạt lở mái, đỉnh đê. Ngoài ra, sử dụng bao tải chứa đất hoặc cát đắp thành hàng với chiều rộng phù hợp trên mặt đê chống tràn qua đê…
Ông Lê Đa Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tuyến đê biển qua huyện Vĩnh Linh cần phải có giải pháp cứng hóa, đối với hệ thống đê cát thì trồng cây tạo thành vành đai rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ hệ thống đê. Tuy nhiên, các nguồn kinh phí bố trí hàng năm còn nhỏ và thấp so với kế hoạch xây dựng cho nên gây khó khăn không nhỏ đến tổ chức thi công, bố trí đảm bảo theo quy định đặc biệt là những tuyến xung yếu khẩn cấp rất khó để thực hiện…