Quảng Trị nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng do mưa kéo dài
Bước qua tháng 10 âm lịch là thời điểm các hộ trồng rau tích cực chuẩn bị đất, giống, phân bón… để tập trung sản xuất, cung cấp rau xanh cho thị trường và kịp bán trong dịp tết. Tuy nhiên, do thời tiết mưa rét kéo dài liên tục trong 2 tháng qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất rau tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều vùng trồng rau chuyên canh mưa rét gây thiệt hại trên 80% diện tích cây trồng, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Chia sẻ trên báo Quảng Trị, chị Hoàng Thị Thể, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông (Triệu Phong) cho biết: trên diện tích 1 sào đất vườn nhà, chị Thể chuyên canh cây cải mầm, bình quân mỗi ngày thu hoạch từ 30-40 kg rau xanh, cung cấp cho các mối quen tại các chợ thị xã Quảng Trị, chợ Diên Sanh, chợ Ái Tử… Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ngày chị Thể thu nhập khoảng 300 ngàn đồng nhờ trồng rau. Tuy nhiên, mưa rét kéo dài thời gian qua đã làm toàn bộ diện tích trồng rau của gia đình chị Thể bị ngập nước, không thể sản xuất được, ước tính thiệt hại trên 20 triệu đồng. “Ngoài vài sào ruộng khoán, nghề trồng rau đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình tôi nuôi các con ăn học và trang trải mọi chi phí sinh hoạt. Với uy tín sản xuất rau nhiều năm, tôi đã tìm được đầu ra ổn định tại các chợ trong tỉnh. Năm nay, mưa lớn kèm rét xảy ra trong thời gian khá dài nên việc trồng rau của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, thiệt hại hơn nữa là tôi dần mất nhiều đầu mối tiêu thụ rau tại các chợ do không có sản phẩm cung cấp thường xuyên”, chị Thể cho biết.
Anh Hoàng Trọng Đức, cán bộ khuyến nông thôn Nại Cửu thông tin thêm: “Toàn thôn Nại Cửu có khoảng 18,5 ha trồng rau màu chuyên canh được chia làm 4 tổ sản xuất với khoảng 80 hộ dân tham gia. Nghề trồng rau đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định, chiếm trên 50% thu nhập của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết diễn biến bất thường, rét kèm theo mưa lớn kéo dài trong những tháng cuối năm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất rau của người dân. Thống kê ban đầu cho thấy, các đợt mưa rét vừa qua đã làm thiệt hại trên 90% diện tích rau màu trên địa bàn thôn Nại Cửu, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Những ngày qua là thời điểm thích hợp để chuẩn bị đất sản xuất rau màu phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới nhưng do thời tiết bất lợi nên người dân chưa triển khai được”.
Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn xã Triệu Đông có 58,24 ha/124 ha diện tích trồng rau bị thiệt hại do mưa rét. Để giúp người dân ổn định sản xuất, chính quyền địa phương đã kịp thời khuyến khích người dân chọn giống rau có khả năng thích ứng với thời tiết; đầu tư thêm lưới làm mái che để bảo vệ rau; tăng cường bón thêm tro bếp làm ấm đất, đồng thời chọn thời điểm thích hợp để xuống giống rau nhằm tránh thiệt hại do mưa rét gây ra.
Không riêng tại xã Triệu Đông, mưa rét kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất rau ở thành phố Đông Hà. Tại vùng sản xuất rau chuyên canh của phường Đông Thanh, mưa rét cũng đã gây thiệt hại trên nhiều diện tích rau ngò, xà lách, cải các loại. Đặc biệt, nhiều thửa rau chuẩn bị cho thu hoạch, mưa rét đã làm rau bị hỏng, thối gốc, người dân không thể thu hồi vốn và công đầu tư.
Được biết, phường Đông Thanh hiện có 19 ha diện tích trồng rau chuyên canh an toàn, sản xuất rau màu đem lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân địa phương. Nếu chăm sóc tốt, bình quân 1 sào rau cho người dân thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, thời tiết mưa rét kéo dài thời gian qua đã làm trên 80% diện tích rau màu tại phường Đông Thanh bị thiệt hại nặng nề.
Mặc dù địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp khắc phục như khuyến khích người dân tăng lượng tro giữ ấm đất, phủ lưới cho cây trồng… nhưng hiệu quả đem lại chưa cao, nhiều loại rau vẫn chưa thể phục hồi được do mưa rét. Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp khắc phục, hướng dẫn, giúp nông dân tiến hành trồng lại số rau màu bị hư hại, kịp thời bảo đảm về nguồn rau cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Nhiều diện tích tiêu của người dân Vĩnh Linh bị ngập úng lâu ngày gây vàng lá, thối rễ
Bên cạnh đó, đợt mưa rét kéo dài từ ngày 20/11/2017 đến nay đã khiến người trồng tiêu ở Vĩnh Linh, đặc biệt là các xã có diện tích trồng tiêu lớn ở vùng đông của huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị bị thiệt hại nặng vì tiêu bị ngập úng, vàng lá, chết hàng loạt.
Theo thống kê, đợt mưa lớn kéo dài vừa qua khiến cho người dân trồng tiêu bốn xã vùng đông của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam bị ảnh hưởng khoảng 100 ha. Tại xã Vĩnh Hiền, 100% diện tích hồ tiêu của xã bị ảnh hưởng, trong đó diện tích thiệt hại từ 70% trở lên là 12 ha. Ngoài ra, tại thị trấn Cửa Tùng có hơn 20 ha trên tổng số gần 70 ha hồ tiêu toàn thị trấn cũng lâm vào tình trạng tiêu rụng lá, thối rễ hàng loạt.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng, tuy nhiên theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh, trong tổng số 1.300 ha hồ tiêu toàn huyện Vĩnh Linh, thì có khoảng 1/3 số diện tích bị hư hại do đợt mưa rét kéo dài vừa qua. Để cứu vãn vườn tiêu, các hộ dân đã tiến hành đào rãnh thoát nước, thậm chí dùng máy bơm để hút nước hạn chế úng ngập, tuy nhiên trong điều kiện thời tiết thường xuyên có mưa như hiện nay, các biện pháp này cũng chỉ mang tính đối phó.
Huyện Vĩnh Linh là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của tỉnh Quảng Trị, mang lại tổng giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người nông dân mỗi năm. Đặc biệt tháng 6/2017, việc 279 hộ nông dân trồng tiêu thuộc 4 xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam tham gia vào HTX sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã thể hiện quyết tâm liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới. Chính vì vậy, việc hàng trăm héc ta tiêu bị ảnh hưởng do ngập úng vì mưa rét kéo dài khiến người dân rất lo lắng và dự báo vụ thu hoạch tới, sản lượng hồ tiêu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Để kịp thời hỗ trợ người trồng tiêu các biện pháp khắc phục, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh đã cử cán bộ kỹ thuật về tận các địa phương có diện tích hồ tiêu bị ảnh hưởng hướng dẫn người dân tích cực triển khai các biện pháp khai thông rãnh thoát nước xung quanh và trên vườn để thoát nước nhanh, dùng cuốc bàn xới xáo phá váng lớp đất mặt để thoát nước và khí độc trong đất, làm cho đất thoáng khí và có ôxy để cây trồng trao đổi chất, ra rễ mới. Khuyến cáo người dân chờ đến khi thời tiết khô tạnh, đất được tháo nước hoàn toàn thì tiến hành xử lý các loại thuốc để phục hồi bộ rễ cũng như phòng bệnh trên lá, đề phòng cây bị nhiễm sâu bệnh chết nhanh, chết chậm.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ người dân cứu vãn phần nào diện tích hồ tiêu bị thiệt hại, người trồng tiêu ở Vĩnh Linh mong muốn các cấp, ngành có sự hỗ trợ để chuyển đổi những diện tích bị mất trắng sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn.
Nhân Mã (t/h)