Vụ Đông Xuân 2022 - 2023 toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được 25.979 ha lúa, đạt 101,8% kế hoạch; Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao 21.000 ha (đạt trên 80% diện tích gieo cấy); diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn trên 7.000 ha (trong đó: có 1.058 ha lúa liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; 172,08 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, canh tác tự nhiên; 287 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 40 ha lúa theo hướng VietGap, 88 ha ATTP, 161 ha sản xuất lúa giống; 310 ha sản xuất lúa thương phẩm).
|
Lúa hữu cơ phát triển tốt và cho năng suất cao trên đồng đất Quảng Trị. |
Hiện nay, diện tích lúa trên địa bàn toàn tỉnh đã chín tập trung; trong những ngày qua, thời tiết cơ bản thuận lợi các địa phương tập trung thu hoạch diện tích lúa Đông Xuân 2022-2023. Tính đến hết ngày 4/5/2023, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 6.000 ha, đạt 23% diện tích gieo cấy (huyện Vĩnh Linh 1.600 ha, Gio Linh 1.000 ha, Hải Lăng 1.500 ha, Hướng Hóa 300 ha, Đakrông 90 ha, Cam Lộ 150 ha, Triệu Phong 1.200 ha, Đông Hà 70 ha,...), dự kiến kết thúc thu hoạch trước ngày 20/5/2023.
Theo Ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, tuy gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, ngập úng đầu vụ, có nơi phải gieo đi gieo lại 2-3 lần nhưng bằng việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, chủ động thích ứng với thiên tai nên theo đánh giá sơ bộ của các địa phương thì vụ Đông Xuân năm nay rất được mùa, năng suất lúa toàn tỉnh ước đạt trên 60,5 tạ/ha (vụ Đông Xuân năm ngoái chỉ đạt 41,5 tạ/ha, do thiên tai cuối vụ), sản lượng lúa ước đạt trên 16 vạn tấn. Một số địa phương có năng suất lúa đạt cao như huyện Hải Lăng ước đạt 66,8 tạ/ha (xã Hải Dương ước đạt 74 tạ/ha, Hải Phong 73,5 tạ/ha, Hải Định 73 ta/ha...); Triệu Phong 62 tạ/ha, Gio Linh 60 tạ/ha,.. Đặc biệt, giá lúa đầu mùa khá cao, giao động từ 6.000 - 7.500 đồng/kg (cao hơn 500 đồng/01 kg so với cùng kỳ năm trước), riêng lúa hữu cơ liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua với giá 12.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng (cao hơn năm trước 1.000 đồng/kg), nên người dân rất phấn khởi.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương chủ động công tác kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ, nên đã kiểm soát tốt các đối tượng sâu, bệnh gây hại, không ảnh hưởng đến sản xuất.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thăm hỏi, động viên nông dân thu hoạch trong cái nắng kỷ lục. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, từ kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất đúc rút qua nhiều năm, ngay từ tháng 12/2022, UBND tỉnh đã ban hành phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng phó với thiên tai dịch bệnh, giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan đơn vị; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn về cơ cấu giống và lịch thời vụ khoa học, sát đúng với thực tiễn; cử cán bộ bám sát đồng ruộng thực hiện tốt công tác dự tính dự báo, chủ động phòng trừ dịch bệnh; kịp thời xử lý khi có mưa lớn xảy ra và chủ động nguồn giống chất lượng để gieo lại ở những nơi bị ngập úng đầu vụ; áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức sản xuất trên cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Về hướng phát triển của ngành Nông nghiệp Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Quảng Trị định hướng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn. Đối với cây lúa, phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha sản xuất hữu cơ và chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang chủ yếu là giống chất lượng cao, phát triển mạnh thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị.
“Quảng Trị sẽ phát triển ngành hàng lúa gạo gắn với hình thành hệ thống các nhà máy sơ chế/chế biến gạo hữu cơ và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo. Tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm rạ, cám gạo để phục vụ phát triển chăn nuôi, phân bón vi sinh và công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm. Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững góp phần vào tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam.” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ./.
Bài, ảnh: Hoàng Oanh