Quảng Trị: Nghề “vàng” của ngư dân 

Nghề lưới rê bùng nhùng, lưới vây rút chì được ví như nghề “vàng” của ngư dân xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Các loại lưới này dùng để đánh bắt thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa của mặt nước biển như: Cá thu, ngừ, bè, cờ, nục, mực... thu về những mẻ lưới “khủng”, giúp nhiều ngư dân nơi đây trở thành triệu phú.

Trở về sau chuyến “mở biển” đầu năm mới Nhâm Dần kéo dài gần 8 ngày (từ ngày 11/2 - 19/2/2022) đánh bắt ở ngư trường phía Nam Vịnh Bắc Bộ, ông Võ Văn Huynh ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đang tranh thủ vài ngày nghỉ ngơi, sửa soạn ngư lưới cụ cho chuyến biển tiếp theo. Ông Huynh cho biết: “Tàu đánh bắt xa bờ với công suất 1.100 CV của gia đình tôi trước đây làm nhiều nghề biển. Cách đây 10 năm, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi bắt đầu làm “độc nghề” lưới rê bùng nhùng. Chuyến biển vừa rồi, chúng tôi đánh bắt được khoảng 2,5 tấn cá ngừ, thu, cờ (thu nhập khoảng 150 triệu đồng) bằng lưới rê bùng nhùng. Chỉ tính riêng năm 2021, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi thu nhập khoảng 4 tỉ đồng (chưa trừ các khoản chi phí) từ nghề này”.

Theo ông Huynh thì loại lưới rê bùng nhùng được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (trước đây) du nhập vào Quảng Trị tính đến nay cũng hơn 20 năm. Và loại lưới này thực sự phát huy hiệu quả trong đánh bắt thủy sản khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đây, do tàu có công suất nhỏ, trang thiết bị trên tàu lạc hậu với việc thu lưới bằng tay nên độ dài của lưới khoảng 800 m và cao 10 m (lưới ngắn nên hiệu quả kinh tế trong đánh bắt thủy hải sản thấp). Hiện tại, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ đều có công suất lớn và được trang bị nhiều ngư cụ hiện đại như: Ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định dạng lưới, bộ đàm, E com, máy thu lưới rê bùng nhùng… Do được trang bị ngư cụ hiện đại nên độ dài của lưới rê bùng nhùng hiện nay thường có chiều dài 8.000 -10.000 m, cao 38 - 40 m. Do sợi lưới rê bùng nhùng được se từ sợi PE đơn sợi (mỗi sợi lưới gồm 24 - 72 sợi nhỏ xe sơ lại) nên khi thả lưới vào nước biển, sợi lưới bung ra tạo thành nhiều búi nhỏ có màu sắc giống với màu sắc của nước biển, làm cho cá mắc lưới nhiều hơn. Độ bền của lưới rê bùng nhùng cao (trung bình thời gian sử dụng là 10 năm so với loại lưới thường là 2,5 năm). Đánh bắt thủy hải sản bằng lưới rê bùng nhùng có thể tiến hành trong điều kiện thời tiết xấu với gió lớn đến cấp 5 - 6 bởi lưới không bị xoắn như các loại lưới rê thông thường khác nên ngư dân có thể tăng thời gian bám biển. Ngư trường đánh bắt bằng nghề lưới rê bùng nhùng rộng (có thể đánh bắt thủy hải sản ở nhiều vùng biển khác nhau) và đối tượng đánh bắt là các loại cá có giá trị cao như: Cá thu, ngừ, chét, bớp, thiều, nghéo, cờ…

Ngư dân Trần Trọng Lĩnh ở thôn Xuân Ngọc (xã Gio Việt, huyện Gio Linh) cho biết: Ngoài lưới rê bùng nhùng thì có một nghề nữa đang mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt là nghề lưới vây rút chì. Nghề lưới vây rút chì không như các loại hình đánh bắt thủy sản khác là hoạt động trên biển dài ngày, mà chỉ mất 1 - 3 ngày/chuyến biển và có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Mùa đánh bắt thủy hải sản bằng nghề vây rút chì thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hằng năm. Lưới vây rút chì chuyên khai thác thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa mặt nước biển bằng phương pháp lưới vây ngày (đánh bắt cá ban ngày), lưới vây ánh sáng (đánh bắt cá ban đêm). Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới vây rút chì là quây mặt nước bằng hệ thống lưới ở trên và dưới. Trong quá trình đánh bắt, vàng lưới vây rút chì được thả theo hình tròn trên mặt biển, đến khi lưới được thả xuống biển sẽ có dạng hình trụ tròn. Trung bình đường kính lưới trên mặt nước khoảng 500 - 1.000 m và sâu khoảng 20 - 30 m. Khi đàn cá bị vây vào giữa vàng lưới, hệ thống dây rút chì ở phía dưới sẽ kéo lại, tạo thành một chiếc túi lưới khổng lồ. Sau đó, hệ thống dây rút (không chì) ở trên mới thu lại và bắt cá. Những năm gần đây, nhờ đầu tư thêm ngư cụ như máy kéo, máy dò... nên số lượng ngư dân trên mỗi tàu đánh bắt xa bờ chỉ cần khoảng 4 - 6 người/tàu, nhưng hiệu quả đánh bắt thủy hải sản không giảm mà ngày càng tăng lên. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông có doanh thu gần 2 tỉ đồng. Bình quân mỗi chuyến biển có thể đánh bắt từ 5 - 10 tấn thủy hải sản các loại…

Hiện nay, nghề lưới vây rút chì ở xã Gio Việt đang phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã Gio Việt có 45 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất 17.976 CV thì có gần 50% tàu làm nghề lưới vây rút chì. Do đánh bắt các loại thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa của mặt nước biển nên nghề lưới vây rút chì là hình thức đánh bắt thủy hải sản đang được khuyến khích. Từ nghề đánh bắt này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của xã Gio Việt đã thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, thị trấn Cửa Việt có 100 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất 50.088CV thì có trên 50% tàu đánh bắt xa bờ làm nghề lưới rê bùng nhùng. Số tàu đánh bắt xa bờ còn lại của thị trấn Cửa Việt hiện đang làm nghề lưới vây rút chì, pha xúc. Có thể nói, nghề lưới rê bùng nhùng mang lại hiệu quả và năng suất cao hơn các nghề khác; nguồn thủy hải sản đánh bắt từ nghề lưới rê bùng nhùng cũng rất đa dạng. Và nghề lưới rê bùng nhùng hiện đang mang lại thu nhập cao cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt.

https://dulich.petrotimes.vn

 

baoquangtri.vn

290 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1380
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1380
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156731