Quảng Trị ngăn chặn buôn lậu đường qua biên giới 

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng buôn lậu hàng hóa qua tuyến biên giới Quảng Trị (Việt Nam) với tỉnh Savanaket (Lào) có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu đường kính trắng do Thái Lan sản xuất từ Lào vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp.
Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng nước bạn Lào truy đuổi và ngăn chặn tình trạng buôn lậu. Song công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo lực lượng chức năng ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, các mặt hàng thẩm lậu qua biên giới Việt Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện được phân tán, xẻ nhỏ rất tinh vi rồi đưa qua các lối mòn đường tiểu ngạch dọc theo tuyến đường sông Sê Pôn. Cũng chính vì sự tinh vi này đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác ngăn chặn buôn lậu; trong đó, mặt hàng đường kính sau khi “vượt biên” trót lọt, các chủ đầu nậu ở biên giới Quảng Trị tiếp tục thuê người dân địa phương xé lẻ, gùi cõng hoặc dùng xe gắn máy tẩu tán hàng, đưa vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.

Tính riêng tại Cổng B cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt rất nhiều vụ buôn lậu. Riêng đường kính trắng do Thái Lan sản xuất nhập lậu từ Lào về Việt Nam đã phát hiện được hơn 100 vụ, với số lượng gần trăm tấn và giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu đường kính trắng không cao. Mỗi tấn đường trắng Thái Lan nếu thực hiện trót lọt, chủ buôn thu được khoảng 700 - 800.000 đồng. Tuy nhiên, do thời điểm chuyển mùa cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất cao, dẫn tới đây là cơ hội để các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động.

Ông Đinh Ngọc Thanh, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết, hành vi mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa Lào và Việt Nam ở các khu vực cửa khẩu Lao Bảo và La Lay diễn ra chủ yếu ở dọc tuyến sông Sê Pôn và các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà, cửa khẩu. Các đối tượng lợi dụng trời tối và địa hình phức tạp dùng thuyền máy vận chuyển hàng, dọc sông Sê Pôn để đưa hàng hóa vào nội địa. Sau đó dùng xe thồ, xe kéo, thuê người vận chuyển hàng hóa bằng đường tiểu ngạch về nội địa tiêu thụ.

Hành vi mua bán vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến tiếp giáp giữa Khu thương mại Lao Bảo với nội địa diễn ra theo nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau. Song phổ biến vẫn là tổ chức thuê người gùi, cõng, qua hai bên cánh gà, cổng B tập kết, chờ xe chuyển về nội địa tiêu thụ hoặc chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa để cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa khác. Các vụ vi phạm chủ yếu là hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa không có chứng từ hợp pháp, hàng hóa không xác định được chủ sở hữu...

Cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ khác, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng, chống ma túy trên các tuyến biên giới và địa bàn trọng điểm. Chỉ đạo đấu tranh kiên quyết đối với các đối tượng trọng điểm và các mặt hàng trọng điểm như đường kính trắng do Thái Lan sản xuất, thuốc lá điếu ngoại, rượu ngoại, bia Heineken, hàng điện tử….
 
Trần Tĩnh (TTXVN)
705 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1213
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1213
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103431