Quảng Trị: Nâng cao giá trị nông sản địa phương nhờ Chương trình OCOP 

Tỉnh Quảng Trị có nhiều sản phẩm có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, dưa hấu Vĩnh Tú, rau xà lách Gio An, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các sản phẩm từ chăn nuôi; ngoài ra còn có các sản phẩm du lịch cộng đồng…

Theo số liệu điều tra, khảo sát, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc sáu nhóm; trong đó nhóm Thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm Đồ uống có ba sản phẩm; nhóm Thảo dược có sáu sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có một sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có ba sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có một sản phẩm. Ngoài ra, Quảng Trị hiện có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP.

quang tri nang cao gia tri nong san dia phuong nho chuong trinh ocop
Dưa hấu Vĩnh Tú là sản phẩm thế mạnh của Quảng Trị

Tuy nhiên, sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Trị hiện phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý hạn chế, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu, chưa được xây dựng và đăng ký theo quy chuẩn như: Vietgap, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm... nên phần nào bị hạn chế trong các giao dịch với doanh nghiệp để kết nối thị trường tiêu thụ, thiếu định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Phát huy thế mạnh những sản phẩm OCOP của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4565/KH-UBND về triển khai “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 40 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển mới khoảng 15 sản phẩm; một đến hai làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Có ít nhất ba sản phẩm đạt năm sao cấp tỉnh; một sản phẩm đạt năm sao cấp quốc gia. Hằng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất hai ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình OCOP. Củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp…

Để làm được công việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng thành lập Ban Điều hành Chương trình OCOP cấp tỉnh. Ở cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Ban điều hành hoặc giao cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện là cơ quan chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP.

Chương trình OCOP là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030. Chương trình tập trung vào các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu nghành nông nghiệp, tạo ra nguồn lợi đồng thời nâng cao thương hiệu giá trị các sản vật đặc thù của địa phương, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.

Bảo Ngọc

425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 877
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 877
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87037140