Nhìn vào cách thức tổ chức, diễn biến những cuộc tập trung đông người trái phép diễn ra trên một số tỉnh, thành (đặc biệt là Bình Thuận) có thể khẳng định, đây không chỉ là những cuộc tụ tập đông người trái phép mang tính chất tự phát đơn thuần, mà đằng sau đó là những âm mưu kích động biểu tình, bạo loạn của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối chính trị trong nước, được thực hiện một cách bài bản từ những ngày trước đó. Mục đích chính của việc kêu gọi biểu tình không chỉ đơn thuần là bày tỏ thái độ đối với một số dự luật mà cái chính là nhằm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, làm suy giảm uy tín của Đảng, chính phủ và của Quốc hội. Bên cạnh đó, những kẻ đứng ra tổ chức cuộc biểu tình bất hợp pháp này còn muốn thông qua đó để đo phản ứng của chính quyền, đồng thời "mượn gió bẻ măng", gây rối trật tự công cộng, phá hoại kỳ họp Quốc hội và làm xấu hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Một trong những phương thức, thủ đoạn mà các thế lực thù địch triệt để sử dụng là thông qua Internet, đặc biệt là mạng xã hội để kích động nhân dân, kêu gọi biểu tình, chống phá chế độ. Chúng tổ chức soạn thảo, tán phát trên mạng Internet kêu gọi việc cùng ký tên vào các văn bản gửi đến cơ quan chức năng để phản đối dự thảo Luật Đặc khu như: “Tuyên bố về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”; “Bản kêu gọi phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”... Thông qua ứng dụng gửi tin nhắn trên phần mềm Facebook để lan truyền tin nhắn từ những tài khoản ẩn danh với nội dung kêu gọi, kích động người dân cả nước cùng xuống đường biểu tình để phản đối việc thông qua Luật Đặc khu. Cùng với đó là việc một số cá nhân, tụ tập thành từng nhóm nhỏ lẻ tại các địa điểm công cộng để căng băng rôn, khẩu hiệu với nội dung phản đối Luật Đặc khu; quay video, chụp ảnh, đăng tải trên các trang mạng xã hội để làm công tác “truyền thông” một cách có chủ đích.
Trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc đó, một số người dân do nhận thức còn hạn chế đã bị các thế lực thù địch lợi dụng; vô tình tiếp tay cho những hoạt động chống phá, gây mất an ninh xã hội.
Mặc dù tình hình ở một số tỉnh, thành trên cả nước diễn biến phức tạp, nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được giữ vững, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển. Có được điều đó là do các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đặc biệt luôn chú trọng việc nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong sử dụng mạng xã hội, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ về việc sử dụng mạng xã hội.
Có được kết quả đó là nhờ các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân, tạo thế trận lòng dân; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Dự báo trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ gia tăng những âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng ta, đất nước ta với cường độ lớn, mức độ ngày càng quyết liệt. Chúng sẽ tiếp tục sử dụng những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, nham hiểm, quá khích để chống phá, kích động nhân dân. Dẫu trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua không xảy ra các vụ tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự nhưng các vụ việc xảy ra ở các tỉnh, thành cũng đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tập trung thực hiện tốt những công việc sau:
Triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 439-TB/TU, ngày 14/6/2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh”. Chủ động thông tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội…để mọi người nâng cao cảnh giác; không bị lợi dụng kích động.
Tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp phải luôn ở vị trí đứng mũi chịu sào; phải là nơi hội tụ trí tuệ và bản lĩnh, kinh nghiệm sáng suốt để nhận định đúng tình hình và kịp thời có các đối sách phù hợp trước thực tiễn có nhiều biến động.
Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó, Bí thư cấp ủy, người đứng đầu mỗi địa phương phải có trách nhiệm cao nhất. Phải xây dựng được sự ổn định chính trị, xã hội ở địa phương. Địa phương nào để xảy ra tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cùng các lực lượng liên quan. Muốn không để xảy ra điểm nóng và người dân bị lợi dụng, người đứng đầu cùng các cơ quan chức năng phải luôn nắm chắc tình hình, nắm vững địa bàn mình lãnh đạo, quản lý đang “nóng” cái gì để xử lý, giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, luôn đề cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đề phòng các hoạt động manh động, phá hoại khi điểm nóng xảy ra.
Các cơ quan chức năng cần nắm chắc tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, của số phản động, quá khích trên không gian mạng để có kế hoạch đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
Tiếp tục huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân, tạo thế trận lòng dân để đối trọng với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đặc biệt là với số đối tượng cầm đầu, quá khích. Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chú trọng việc xây dựng “thế trận an ninh nhân dân” thường xuyên và cả khi xảy ra biến động, bất ổn. Phát huy tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải được thể hiện rõ khi mỗi địa phương có những sự việc phức tạp. Cán bộ, đảng viên nói không với biểu tình, tụ tập, gây rối chưa đủ mà phải chủ động đấu tranh, đẩy lùi, tuyên truyền vận động gia đình, nhân dân ở nơi làm việc và nơi ở chung sức đấu tranh với thế lực thù địch. Cùng với đoàn thể, nhà trường, gia đình, tế bào của xã hội cũng là nơi đấu tranh, ngăn ngừa hiệu quả nhất đối với lớp trẻ trước sự lôi kéo, lừa phỉnh của kẻ xấu.
Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí trong tỉnh; đặc biệt là Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh trong công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Cuối cùng, cần tăng cường việc chấn chỉnh và đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sử dụng Internet và mạng xã hội. Mỗi một cán bộ, đảng viên, mỗi một đoàn viên, thanh niên, hội viên, trí thức.…phải là một “chiến sỹ xung kích” trên không gian mạng. Không đăng tải, chia sẻ, bình luận những vấn đề mang tính “nhạy cảm” khi chưa hiểu vấn đề một cách thấu đáo, căn cơ; cương quyết đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp; với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng; tin chắc rằng, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới quê hương; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Phạm Văn Quốc-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy