Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có trên 200 công trình cấp nước tập trung nông thôn và gần 79 nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cấp nước cho 90,8% hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Trong đó, có đến 40% công trình không hoạt động, hơn 20% công trình hoạt động kém hiệu quả, chỉ có gần 18,5% công trình bền vững và hơn 21% công trình đạt trung bình.
Do phần lớn các công trình được xây dựng từ năm 2002 trở về trước, công tác khảo sát và giải pháp thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng có khả năng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho một số công trình cấp nước ngày càng thiếu nguồn nước cấp cho công trình.
Đặc biệt, các công trình tự chảy ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có nhiều công trình thường bị thiếu nước vào mùa nắng hạn, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo (bị đục vào mùa mưa). Hệ thống xử lý lắng lọc, đập dâng nước đầu nguồn thường bị bồi lấp và bị tắc sau một hoặc 2 mùa mưa lũ; áp lực nước không ổn định, cuối mạng đường ống thường bị thiếu nước.
Điều đáng quan tâm, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại Quảng Trị mới đạt 90,8% (tương đương 107.298/118.160 hộ), thuộc mức trung bình so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN chỉ đạt 58,41% (tương đương 69.014/118.160 hộ). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung: 27,22%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam từ công trình cấp nước tập trung; 26,08%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước nhỏ lẻ: 63,58%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN từ công trình cấp nước nhỏ lẻ: 32,32%...
Hữu Tiến