Đến chiều ngày 23/10, nước các trên các sông như Cánh Hòm, Hiếu (thuộc địa phận xã Gio Mai, huyện Gio Linh) và sông Thạch Hãn, Vĩnh Định (qua địa phận xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) đã rút xuống rất nhiều. Hình ảnh dòng sông thơ mộng giờ ngập tràn rác khiến nhiều người thở dài.
Nhiều mặt đường trên tuyến quốc lộ chạy qua địa phận thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong bị lũ tàn phá nghiêm trọng. Trong ảnh: Cả mảng lớn đường bị bong tróc và sụt lún gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Đặc biệt, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm hư hỏng nghiêm trọng cây cầu Lệ Xuyên 1 (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong).
Anh Hoàng Đức Chính (40 tuổi), công nhân công ty Quản lý và Xây dựng Giao thông Quảng Trị cho biết cầu bị lũ hủy hoại vào ngày 17/10. Các công nhân đang gấp rút sửa lại cầu để cố gắng thông tuyến trong 2 ngày tới.
Sau lũ, đường vàoxóm Soi (thuộc thôn Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh), toàn bùn đặc quánh và bốc mùi hơi sình ngâm nước lâu.
Góc nhà của ông Trương Quang Vân (68 tuổi, xóm Soi) nứt toác. Phần thóc ướt đã lên thành mạ trên lớp bùn dày 30 cm ở dưới bếp nhà ông Vân.
Nhiều bao thóc của gia đình ông Trương Văn Cường (75 tuổi, xóm Soi) đều mọc rễ vì ngâm nước lâu. Vợ ông Cường chỉ còn cách phơi lại phần thóc này cho gà, vịt ăn.
Giếng nước của gia đình bà Trương Thị Nguyệt (62 tuổi, xóm Soi) ngập đầy bùn đất. Quần áo bị ướt chất đống chưa thể giặt được vì nước quá đục.
Trong khi đó, con đường vào thôn Phương Sơn (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, huyện Triệu Phong) đến ngày 23/10, nước vẫn chưa chịu rút. Người dân trong thôn phải lội nước mới có thể ra ngoài. Các xe cứu trợ gầm thấp phải dừng ở bên ngoài đường vì mực nước vẫn ngập sâu từ 30 -40 cm, dễ gây chết máy xe.
Cô Nguyễn Thị Vinh (49 tuổi, người dân thôn Phương Sơn) cho biết, thời điểm lũ cao nhất, nhà cô ngập sâu hơn 2 mét, phải chồng 2 chiếc giường lên nhau để tránh lũ. Còn con trai cô là Trần Quang Long (21 tuổi) phải di tản nửa tháng vì mới mổ cột sống nên sợ lũ lên, chạy không kịp.
Các cánh đồng ở xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong) vẫn chìm sâu trong biển nước.
Sau lũ, nhiều xác gà, vịt thối rữa ở khắp nơi khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Các đầm nuôi tôm, cá tiêu điều sau trận đại hồng thủy lịch sử. "Lũ cũng mang đi cả rồi, bao nhiêu, tôm, cá trong đầm mất hết. Thóc giờ đã lên mạ, tường nhà thì bong tróc khắp nơi. Xã cũng nhiều lần gọi đi lấy đồ cứu trợ nhưng bên ni sóng kém, bữa ai gọi điện mà nghe được thì biết mà đi, bữa mất sóng đành chấp nhận. Cũng có hôm đoàn từ thiện gọi sang chân cầu lấy quà vì đường xóm ni lầy quá. Mọi người giúp đỡ chúng tôi biết ơn lắm, mì tôm và gạo giờ cũng cũng có rồi, mà ước chi ai cho ít tôm, cá hay lúa giống để làm ăn rồi cóp tiền làm lại căn nhà cho kiên cố thì hạnh phúc biết mấy", ông Trương Quang Vân ở xóm Soi (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) bày tỏ.
LỘC LIÊN