Quảng Trị: Mòn mỏi xin công nhận hai bố con liệt sỹ 

Nhiều năm qua, gia đình anh Trinh liên tục gửi hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông nội và bác hy sinh trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị.
Keyword đầu tiên có dấu

Anh Nguyễn Trinh mong muốn chính quyền các cấp xem xét, công nhận liệt sỹ cho ông nội và bác ruột

Chết trong lúc làm nhiệm vụ

Phản ánh đến Báo Giao thông, anh Nguyễn Trinh (trú tại thôn 5, Đại Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình liên tục gửi hồ sơ lên UBND xã Triệu Thuận xin công nhận liệt sĩ cho ông nội là Nguyễn Văn Thất và bác ruột là Nguyễn Văn Luyện”.

Theo anh Trinh, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, bố con ông Thất, Luyện đã sử dụng thuyền gắn máy của gia đình để đưa quân giải phóng, thương binh qua sông và vận chuyển hàng hoá phục vụ chiến trường. Ngày 11/6/1972, trong lúc làm nhiệm vụ chuyển dân sơ tán ra vùng giải phóng rồi tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí súng đạn và bộ đội vào Thành Cổ, chiếc thuyền máy bị trúng bom từ trường, khiến bố con ông Thất tử nạn, không tìm được thi thể. Sau đó, đơn vị kháng chiến xin tiếp tục điều động chiếc thuyền gắn máy của gia đình ông Thất để phục vụ chiến đấu và gia đình đồng ý.

Gia đình ông Thất và vợ là bà Trương Thị Chơn được chính quyền, đơn vị chức năng xác nhận những đóng góp cho kháng chiến. Anh Trinh cung cấp cho PV “Giấy xác nhận thành tích” do ông Lê Vấn (Trưởng ban Tự quản thôn Đại Lộc thời điểm đó) và “Bản khai của nhân dân” lập năm 1983, có ý kiến xác nhận của Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng xã Triệu Thuận, nêu rõ: “Bà Chơn có 3 tháng (3/1972 - 6/1972) cả người và thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí; đưa bộ đội, cán bộ qua sông, chuyển dân sơ tán ra Bắc. Trong lúc làm nhiệm vụ, địch thả bom gia đình chết 2 người và hỏng một thuyền trọng tải 3 tấn có gắn máy F4”. Ngày 20/12/1984, bà Chơn cùng chồng là Nguyễn Văn Thất được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

“Các giấy tờ có ghi: “Trong lúc làm nhiệm vụ, địch thả bom gia đình chết 2 người”, như vậy là ông và bác tôi tử vong lúc đang làm nhiệm vụ. Vậy mà bao năm qua, cơ quan chức năng không xét duyệt công nhận liệt sỹ đối với ông và bác tôi, dù ít có gia đình nào lưu giữ được nhiều hồ sơ, chứng từ gốc như gia đình chúng tôi. Bà nội tôi lúc nhắm mắt lìa đời vẫn đau đáu về nguyện vọng này”, anh Trinh nói.

Khiếu nại quyết định của xã?

Keyword đầu tiên có dấu

Bà Trương Thị Chơn và ông Nguyễn Văn Thất được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Triệu Thuận cho hay, khi nhận được hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ của gia đình anh Trinh, xã đã lập đoàn xác minh. Kết quả cho thấy, ông Thất và ông Luyện đi sơ tán cùng gia đình và bị chết do bom từ trường chứ không phải được sự điều động của cách mạng. Đến tháng 4/2018, UBND xã Triệu Thuận đã ban hành quyết định và đến ngày 8/10/2018, UBND huyện Triệu Phong cũng ban hành quyết định, cùng có nội dung chưa đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ cho bố con ông Thất.

Không đồng tình với quyết định trên, tháng 11/2018, gia đình anh Trinh đã làm đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong và Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận lên TAND tỉnh Quảng Trị. Về nội dung khởi kiện, anh Trinh cho hay: “Việc chính quyền xã không căn cứ vào Bản khai của nhân dân năm 1983 mà lại lấy ý kiến của các cơ quan, cá nhân làm chứng hiện nay để kết luận không đủ căn cứ là chưa thỏa đáng. Bởi những người làm chứng hiện nay không trực tiếp chứng kiến cũng như không biết sự việc vào thời điểm ông nội và bác ruột của anh hy sinh”.

Sau đó, UBND huyện Triệu Phong và xã Triệu Thuận bất ngờ huỷ bỏ và thu hồi các quyết định trên nên tòa đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận nói rằng, việc huỷ bỏ những quyết định này là do trong quá trình giải quyết khiếu nại thực hiện chưa đảm bảo về một số quy trình thủ tục, chứ nội dung vẫn không thay đổi. Còn ông Trương Quang Hùng, Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Triệu Phong cho biết, đến nay phòng vẫn chưa nhận được hồ sơ xã chuyển lên theo quy định. “Phải hội đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật thì mới có cơ sở lập hồ sơ xét suy tôn liệt sỹ”, ông Hùng nói.

Đông Hiền

 

Luật sư Nguyễn Văn Nhật, Văn phòng Luật sư Trần và Cộng sự (Đoàn Luật sư Quảng Trị) cho biết, Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH - BQP của Liên Bộ LĐ, TB&XH và Bộ Quốc phòng được áp dụng đối với các trường hợp người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ.

Trường hợp gia đình anh Trinh là có “bản khai nhân dân” và “giấy xác nhận thành tích”, cần xác định rõ trường hợp này thuộc đối tượng “có giấy tờ hay không có giấy tờ” theo Thông tư 28.

Ngoài ra Khoản 2, Điều 13, Thông tư 28 quy định rõ: “Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Liên Bộ LĐ, TB&XH - Bộ Quốc phòng để xem xét giải quyết” nhưng UBND xã Triệu Thuận không trình các cấp, tự ra quyết định phủ nhận trong trường hợp này là chưa thỏa đáng.

Đáng nói, trước khi Thông tư 28 có hiệu lực (tháng 12/2003), bà Chơn (khi còn sống) đã nhiều lần gửi hồ sơ xin suy tôn liệt sĩ lên xã nhưng xã Triệu Thuận chưa xem xét, giải quyết dứt điểm. Do đó, cần xem lại thời điểm gia đình bà Chơn nộp hồ sơ lần đầu tiên và áp theo quy định hướng dẫn ở thời điểm đó.

443 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 978
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 978
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87158403