Các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” cũng đã xuất hiện tại Quảng Trị, góp phần làm nên kỳ tích cho vùng “đất lửa”.
Nơi doanh nghiệp viết thành công
Cách đây 5 năm, trong lời phát biểu kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Trị tại sự kiện Xúc tiến đầu tư vào Quảng Trị (tháng 10/2017), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Đầu tư của Quảng Trị như tờ giấy trắng, các doanh nghiệp hãy viết lên đó những thành công của mình”.
Từ đó đến nay, nhiều nhà đầu tư và cả những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” đã về với vùng “đất lửa” để nghiên cứu, triển khai các dự án năng lượng, logistics, hạ tầng khu công nghiệp… Quảng Trị đã đồng hành cùng doanh nghiệp, coi lợi ích, sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh.
Đề cập tiềm năng và lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư của Quảng Trị, ông Lê Minh Dương, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng đánh giá, có ít nhất 4 yếu tố là vị trí đắc địa; khí hậu, thổ nhưỡng; tiềm năng du lịch và chi phí sản xuất cạnh tranh… đã tạo ra sự khác biệt, giúp Quảng Trị “biến điều không thể thành có thể” và bứt phá.
Trong chiến lược khai phá vùng đất mới, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” như Vingroup, T&T, Sumitomo (Nhật Bản), Amata và EGATI (Thái Lan)… lại chọn Quảng Trị. Chia sẻ lý do đầu tư vào Quảng Trị, ông Victor Lim, Giám đốc QTIP (Liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo) nhấn mạnh, Quảng Trị là điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh về chi phí sản xuất, chi phí lao động; đặc biệt là sở hữu vị trí chiến lược nối thẳng với các nước Đông Dương.
Không chỉ tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư, Quảng Trị còn tận dụng tốt cơ hội phối hợp với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.
Có thể thấy, Quảng Trị sở hữu vị trí địa kinh tế đặc biệt mà không phải địa phương nào trong nước, thậm chí trong khu vực, cũng có được. Là cửa ngõ, điểm kết nối với các quốc gia ASEAN và Tiểu vùng Mekong mở rộng, Quảng Trị có nhiều lợi thế và cơ hội để đẩy mạnh phát triển, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư.
Bên cạnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế cửa khẩu La Lay và cảng biển Mỹ Thủy… sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng cũng mang lại nhiều lợi thế cho Quảng Trị trong thu hút đầu tư.
Đón làn sóng đầu tư thế hệ mới
Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới rất tích cực, đặc biệt là các dự án giao thông, sân bay, cảng biển, năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có giá trị cao...
Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị (Quảng Trị IPA), trên địa bàn tỉnh hiện có 595 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư lên đến 241.479,68 tỷ đồng. Bao gồm 576 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 121.733,37 tỷ đồng và 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD.
Cụ thể, trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị có 108 dự án trong nước đã đi vào hoạt động và 63 dự án trong nước đang triển khai; 7 dự án FDI đã đi vào hoạt động và 6 dự án FDI đang triển khai. Ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, có 221 dự án trong nước đã đi vào hoạt động và 184 dự án trong nước đang triển khai; 3 dự án FDI đã đi vào hoạt động và 3 dự án FDI đang triển khai
Một trong những lợi thế nổi bật của vùng “đất lửa” được ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ với các nhà đầu tư là theo chủ trương của Chính phủ, Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng khí tiềm năng từ mỏ Báo Vàng, mỏ Kèn Bầu. Chủ trương của Quảng Trị là phát triển ngành công nghiệp với lợi thế và tiềm năng hiện có, biến những bất lợi thành lợi thế bứt phá, trong đó có mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Hiện Quảng Trị có khoảng 377 MW từ các dự án năng lượng tái tạo đã phát điện. Bên cạnh đó, có 29 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch và đang triển khai đầu tư (tổng công suất hơn 1.100 MW). Ngoài ra, có 52 dự án điện gió đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch (2.764 MW); 8 dự án điện gió đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch (1.670 MW).
Ngoài năng lượng tái tạo, đã có thêm những dự án hạ tầng “mở lối” hướng đến tương lai. Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh đang triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, là cơ sở để hình thành các khu đô thị ven biển theo quy hoạch phát triển.
Đó là đường tránh TP. Đông Hà, đường ven biển đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt, đường kết nối trung tâm TP. Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt. Ngoài ra, còn có dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giúp Quảng Trị hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm kinh tế.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn sở hữu tiềm năng phát triển du lịch. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, bên cạnh các sản phẩm du lịch đã định hình thương hiệu như du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, tour du lịch DMZ, du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây…, Quảng Trị còn nhiều “món ngon” để mời gọi du khách và các doanh nghiệp đến đầu tư như các bãi biển đẹp, hoang sơ Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy, đảo Cồn Cỏ cách đất liền 17 hải lý, được ví như hòn ngọc giữa biển Đông...
Năm 2022 là năm bản lề để Quảng Trị triển khai hiện thực hóa các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh Quảng Trị đã tích cực làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn về các công trình, dự án trọng điểm giúp Quảng Trị phát triển. Cùng với đó, tỉnh cũng đã vận động được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án có quy mô lớn.