Sáng 11.5, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn đang có mưa rất to, đặc biệt là vùng núi, có nơi lượng mưa đo được gần 400mm khiến nước sông đang lên nhanh, có nơi xấp xỉ báo động 3.
Đập tràn Nam Thạch Hãn bị sạt lỡ hồi tháng 10.2016. Ảnh: Ngọc Vũ
Mưa lớn đã làm ngập, chia cắt một số tuyến đường có ngầm, tràn, vùng thấp ở khu vực miền núi thuộc huyện ĐaKrông. Cụ thể như tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang, mưa lớn đã gây sạt lở tại Km5+300 với khối lượng 500m3 đất đá. Tại cầu tràn Đá Đỏ ở Km5+800, nước đã vượt ngưỡng cầu 2m, chia cắt hoàn toàn đường vào trung tâm xã Ba Nang.
Nhiều tuyến đường miền núi Đakrông bị ngập, gây chia cắt, cô lập.
Tại tuyến đường 558a tại cầu tràn Ba Lòng, mực nước vượt tràn 2,5m gây chia cắt giao thông, cô lập và làm ngập ở một số vùng thấp thuộc các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc.
Các tuyến từ Tà Rụt đi A Vao; A Ngo đi La Lay… đều bị ngập cục bộ ở một số điểm hơn 1,5m.
Một số tuyến đường ở vùng thấp trũng thuộc huyện Hải Lăng bị ngập từ 0,2-0,4m.
Hiện nay, các hồ chứa nhỏ do Quảng Trị quản lý đạt khoảng 80% dung tích thiết kế. Các hồ vừa và lớn đạt từ 50%-85% so với dung tích thiết kế. Một số hồ như Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Trung Chỉ, Phú Dụng đã đầy.
Vùng trũng huyện Hải Lăng ngập trong nước khoảng 0,4m.
Đáng lo ngại nhất là đập tràn đầu mối Nam Thạch Hãn (TX.Quảng Trị), nơi chứa hơn 10 triệu m3 nước bị sự cố sạt lở nghiêm trọng hồi tháng 10.2016 nhưng đến nay mới chỉ xử lý khẩn cấp nên rất nguy hiểm.
Trước đó, tháng 4.2016, Dân Việt đã đưa tin cảnh báo về sự xuống cấp của đập cao su Nam Thạch Hãn.
Được biết, đập cao su Nam Thạch Hãn được lắp đặt thêm vào năm 2000, có chiều dài 135m, cao 2m, chứa hơn 10 triệu m3 nước, đảm bảo tưới cho khoảng 7.000ha lúa ở TX.Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, đồng thời góp phần ngăn xâm nhập mặn cho khoảng 200ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước dân sinh cho khoảng 100.000 người. Sau 16 năm sử dụng, đập này đã xuống cấp nghiêm trọng, thủng nhiều nơi, có thể bục vỡ bất cứ lúc nào.