Năm 2021, gia đình ông Đào Xuân Tiềm, ở thôn Tân Xuân, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trồng 2 sào cây tràm 5 gân. Đây là giống có nguồn gốc từ Úc, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, khảo nghiệm thành công ở Việt Nam. Giống và phân bón được huyện Cam Lộ hỗ trợ, còn cán bộ HTX dược liệu Trường Sơn hướng dẫn ông Tiềm kỹ thuật trồng và chăm sóc tràm 5 gân.
Ông Đào Xuân Tiềm cho biết, trồng tràm 5 gân, mỗi năm thu hoạch 2 lần lá tràm để làm tinh dầu. So với trồng tràm hoa vàng lấy gỗ như trước đây, năng suất, thu nhập từ trồng tràm 5 gân để lấy lá cao gấp đôi.
“Chu kỳ trồng tràm 5 gân, bà con trồng 1 lần, có thể thu hoạch đều đặn trong vòng 10 đến 15 năm. Lợi nhuận cao hơn, công bỏ ra ít hơn. Đầu ra của bà con ổn định, bà con mong muốn có doanh nghiệp đầu tư thì tiếp tục trồng" - ông Tiềm chia sẻ.
Sản phẩm nông nghiệp được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ có 12 ha tràm 5 gân trồng theo hướng hữu cơ. Vùng nguyên liệu này giúp HTX dược liệu Trường Sơn có thế mạnh cạnh trên thị trường đảm bảo nguồn cung ổn định. HTX này cũng đã cam kết thu mua toàn bộ nguyên liệu lá tràm của bà con để sản xuất tinh dầu.
Ông Lê Thanh Huệ, Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc liên kết hợp tác là yếu tố quan trọng, bởi người nông dân tại địa phương sẽ tạo ra những giá trị trong vùng nguyên liệu để chúng tôi yên tâm tạo ra những sản phẩm cung ứng ra thị trường. Khi người dân có việc làm, chúng tôi có nguyên liệu ổn định, tạo ra sự liên kết bền vững giữa 3 bên: HTX, hộ liên kết và người tiêu dùng”.
Thu hoạch tràm 5 gân
Tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh này kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết hợp tác từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản nhằm mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 1.200 ha lúa, 1.000 ha cà phê, 300 ha dược liệu và 64 trang trại chăn nuôi gia công được liên kết sản xuất đã được cấp mã vùng trồng và chứng nhận Vietgap.
Ruộng lúa hữu cơ tại Quảng Trị
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi hình thành các vùng chuyên canh để thu hút đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX, thành lập các HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi để tổ chức sản xuất cho nông dân.
“Để tiếp tục đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là hoàn thiện hạ tầng như thủy lợi, giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất tập trung để người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngành thực hiện các chính sách ưu đãi, mời gọi doanh nghiệp đến tham gia chế biến nông sản, nhất là các nông sản còn nhiều tiềm năng như cây chuối, hoa quả, tiêu và một số sản phẩm của chăn nuôi, thủy sản” - bà Nguyễn Hồng Phương cho biết.
CTV Biên Cương/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/kinh-te/quang-tri-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-theo-chuoi-gia-tri-post1116819.vov