Trái bầu khô tiền tỷ
Cuối tháng 4, khi những cơn nắng hè gay gắt ập tới miền Trung thì cũng là lúc độ bức xúc của người dân thôn Lê Xá (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) lên tới đỉnh điểm.
Gặp chúng tôi, ông Lê Phước Giáo (63 tuổi, trú thôn Lê Xá) kéo ngay tới đài chứa nước nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, bức xúc nói: “Trái bù (bầu - PV) khô của thôn tui (tôi – PV) đó. Công trình này xây dựng, sử dụng được thời gian ngắn thì hỏng, lãng phí vô cùng, trong khi dân còn nghèo và khát nước sạch”.
Ông Lê Phước Giáo (thôn Lê Xá, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) bức xúc vì công trình cấp nước tiền tỷ lại không hoạt động. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Giáo cho hay, năm 2012, công trình cấp nước tập trung ở thôn được xây dựng rồi đưa vào sử dụng. Phấn khởi, bà con bán gà, lợn, rau ráng, mỗi nhà bỏ ra khoảng 1 triệu đồng mua ống nước đấu nối từ đường ống chính của trạm cấp nước vào nhà để sử dụng.
Niềm vui chưa bao lâu, nguồn nước bắt đầu xuất hiện váng đỏ do đường ống bằng kẽm, sắt của công trình gỉ rét. Một thời gian ngắn sau thì trạm cấp nước ngừng hoạt động, bà con phải quay trở lại dùng nước giếng khơi. Vậy là niềm vui của nhân dân thay thế bằng sự bức xúc thấy rõ tại các buổi họp, tiếp xúc cử tri.
Tìm hiểu của PV NTNN, tại thôn Lê Xá có hai công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (sau đây gọi là Trung tâm) đầu tư, một công trình xây dựng năm 2007 trị giá 700 triệu đồng, một công trình xây dựng năm 2011 trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Cả hai công trình đều ngừng hoạt động nhiều năm nay.
Công trình cấp nước tại thôn Lê Xá (Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) ngừng hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: Ngọc Vũ
Là người đã hiến khoảng 100m2 đất để xây dựng trạm cấp nước ở xóm Cây Phượng, thôn Lê Xá, bà Nguyễn Thị Hà cho biết: “Thấy người ta xây trạm cấp nước cho bà con nên tôi hiến đất, ai ngờ công trình hư hỏng, lại phải dùng nước giếng đào”.
Ông Hồ Sỹ Tài – Cán bộ văn hóa xã Vĩnh Sơn cho biết, có một nghĩa địa nằm ở thôn Lê Xá đã nhiều năm nên người dân lo ngại dùng nước giếng đào sẽ không đảm bảo vệ sinh. Khi thấy công trình nước sạch về ai cũng mừng nhưng rồi thất vọng.
“Bây giờ phải truy xem trách nhiệm thuộc về ai và tìm cách sửa chữa, khôi phục công trình để cấp nước cho dân” – ông Tài nói.
Ông Tài còn tiết lộ một thông tin đáng ngại rằng ở thôn Lê Xá có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân nghi ngờ do nguồn nước giếng không đảm bảo vệ sinh.
25% công trình cấp nước không hoạt động
Không chỉ thôn Lê Xá, nhân dân tại thôn Sa Nam (xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh) cũng bức xúc bởi công trình cấp nước tập trung tại địa phương này nhiều năm không hoạt động, kiến nghị nhiều lần lên cấp trên vẫn chưa được giải quyết.
Nằm bên cạnh công trình cấp nước gần 2,5 tỷ nhưng người dân phải dùng nước giếng đào. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Hoàng Đức Duy –Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Quảng Trị cho biết, năm 2011, Trung tâm này đã đầu tư công trình cấp nước tập trung cho 582 nhân khẩu thôn Lê Xá trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Tháng 5.2012, Trung tâm đã tổ chức tập huấn quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và đã bàn giao công trình cho UBND xã Vĩnh Sơn quản lý, sử dụng.
Nguyên nhân công trình ngừng hoạt động do hệ thống điện, hệ thống động lực trong trạm bơm cấp nước sử dụng lâu ngày không được bảo trì, bảo dưỡng nên hư hỏng.
Với công trình cấp nước ở thôn Sa Nam (Vĩnh Long) cũng được Trung tâm đầu tư vào năm 2010 với số tiền 2,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để phục vụ 771 nhân khẩu. Năm 2014, vì nhiều nguyên nhân công trình này ngừng hoạt động.
Số liệu từ ông Hoàng Đức Duy cung cấp thì trong 202 công trình cấp nước tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có đến 51 công trình không hoạt động (chiếm 25,25%), 48 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 23,76%).
Hệ thống đường ống của gia đình bà Nguyễn Thị Hà (thôn Lê Xá, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) đấu nối với đường ống chính của công trình cấp nước cách nhà vài bước chân nhiều năm nay khô khóc, gỉ rét vì không sử dụng.
Theo ông Duy, nguyên nhân dẫn cốt yếu dẫn đến các công trình cấp nước ngừng hoạt động là do chính quyền địa phương sau khi nhận bàn giao đã không quản lý vận hành, không thu được phí sử dụng nước dẫn đến không có tiền để duy tu, sửa chữa khi công trình hư hỏng.
Theo ông Duy, phương án tới đây với những công trình hoạt động kém hiệu quả thì có thể sửa chữa, còn với những công trình hư hỏng, ngừng hoạt động thì có thể thanh lý.
Tuy nhiên, khi PV hỏi: “Phương án thanh lý công trình liệu có khả thi?” thì ông Duy cho rằng đó là câu hỏi khó trả lời, các cơ quan liên quan phải rà soát, thẩm định.
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, từ năm 2016 trở lại đây, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không còn là Chương trình mục tiêu quốc gia mà trở thành dự án thành phần nên nguồn vốn được phân bổ cho các xã thực hiện.
Trước mắt, các xã có thể sử dụng nguồn vốn nói trên hoặc tranh thủ nguồn vốn các chương trình, dự án khác, các tổ chức phi chính phủ và huy động nguồn lực nhân dân để đầu tư sửa chữa, vận hành và duy tu để sử dụng.