Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp cho hợp tác xã có được mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở các hợp tác xã vẫn diễn ra chậm hoặc mới bắt đầu bởi nhiều lý do khác nhau.
Trong những năm gần đây, nhiều hợp tác xã ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ứng dựng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất, thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi số dần dần để giảm chi phí, nâng cao năng lực và thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, các hợp tác xã sử dụng máy móc hiện đại để duy trì sản xuất và sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý và theo dõi trong khâu sản xuất hàng hóa...
Trình diễn thiết bị bay không người lái UAV (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Điển hình ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) trong việc ứng dụng khoa học công nghệ là Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) với việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý và chăm sóc rừng trồng trên điện thoại thông minh. Cụ thể, từ năm 2020 các nhóm hộ có chứng chỉ rừng ở Quảng Trị đã đưa vào hoạt động phần mềm quản lý theo dõi trên thiết bị điện thoại nên chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối internet thì ban giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng có thể cập nhật bản đồ hiện trạng, tọa độ của rừng, thông tin cụ thể vị trí và loại rừng để quản lý dễ dàng.
Đặc biệt, các thành viên được phân công quản lý và bảo vệ rừng sẽ báo cáo công việc đang làm không phải bằng lời nói, không bằng văn bản giấy… mà qua hình ảnh trực tiếp được chụp, sao lưu và chuyển tải về ban quản trị hợp tác xã để báo cáo thông qua phần mềm định vị bằng vệ tinh rõ ràng về thời điểm, hình ảnh…
“Hiện hợp tác xã có gần 280 ha rừng và phần mềm cập nhật hiện trạng rừng của chúng tôi một cách chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm tra hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy tại các khu rừng có nguy cơ cháy cao” - Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng Lê Văn Thể cho biết.
Thiết bị bay không người lái UAV (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở đồng lúa huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng được Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) đưa vào sử dụng từ năm 2012 với việc liên kết với một công ty để đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái UAV (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho diện tích lúa của hợp tác xã. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái sẽ nâng cao sản xuất lao động, tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và giải quyết tình trạng thiếu nhân công khi mùa vụ đến.
Nhiều ha lúa ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã ứng dụng máy bay không người lái (Drone) vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như voso, Postmart… Cụ thể, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phối hợp với Hội nông dân tỉnh Quảng Trị và Bưu điện tỉnh Quảng Trị đưa 30 sản phẩm đặc sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam với sản phẩm cam, bưởi da xanh hữu cơ…
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Đình Lễ - Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, nhằm đẩy mạnh và khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã phun thuốc BVTV bằng drone (UAV) với diện tích 79ha trong vụ vừa qua. Sử dụng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp là động thái cần thiết để các hợp tác xã từng bước chuyển đổi số.
Theo Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp đã mở ra cơ hội lớn cho Quảng Trị phát triển kinh tế tập thể theo hướng hiệu quả, bền vững. Cùng với việc được đào tạo, tập huấn chuyển giao kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đầu tư hạ tầng công nghệ số, kết nối internet để khai thác, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... các HTX nông nghiệp ở Quảng Trị sẽ có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm vươn xa hơn.
Hà Oai