Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khá nhiều dự án năng lượng đã và đang được đầu tư. Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 125,4 MW); 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW được phê duyệt quy hoạch.
Trong đó, đã có 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2 MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 119,6 MW; 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW và 90,7 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà đã phát điện và vận hành thương mại.
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Bộ Công thương làm việc về các dự án năng lượng |
Cũng có 2 nhà máy nhiệt điện than tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng công suất 2.400 MW được phê duyệt. Cạnh đó là có các dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Để triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung theo chủ trương đã được Thường trực Chính phủ thống nhất tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất Bộ Công Thương quan tâm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung công suất các nguồn điện tăng thêm cho tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VIII sắp tới; xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các nội dung về đàm phán, thương thảo Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN…
Khoảng 3 tháng trước, Liên doanh tổ hợp các nhà đầu tư Dự án Điện khí LNG Hải Lăng cho hay, trong 19 tiêu chí cơ bản, các nhà đầu tư đã hoàn thành 4 tiêu chí quan trọng và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ nhà đầu tư trong thỏa thuận tiêu thụ điện với EVN, trong đánh giá tác động môi trường, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy và công tác giải phóng mặt bằng… phối hợp đồng hành cùng với nhà đầu tư giải trình các nội dung liên quan của dự án với các cấp bộ ngành Trung ương và Chính phủ.
Trước đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, địa phương và nhà đầu tư cần chủ động, nghiêm túc, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt và ban hành, đặc biệt là đảm bảo tiến độ các dự án theo Quy hoạch điện VIII.
|
Phối cảnh Dự án điện khí LNG Hải Lăng |
Cụ thể, đối với Dự án điện khí LNG Hải Lăng, Bộ trưởng đề nghị Quảng Trị khẩn trương hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch nội bộ để có được cơ sở pháp lý cho việc triển khai dự án; đồng thời cùng nhà đầu tư sớm làm việc với Bộ Giao thông vận tải để có được thỏa thuận về kho, cảng khí cho dự án. Bên cạnh đó, Quảng Trị cần xem xét, rà soát lại tất cả các vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương trên địa bàn để giúp chủ đầu tư sớm triển khai các bước tiếp theo của dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Bộ trưởng giao EVN khẩn trương xem xét hoàn thiện thỏa thuận đấu nối cho Dự án Điện khí Hải Lăng đồng thời yêu cầu EVN khẩn trương rà soát, triển khai việc đầu tư hoặc thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải ở khu vực Quảng Trị để giải tỏa công suất các nhà máy theo Quy hoạch điện VIII.
Đồng thời giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án trước ngày 31/10/2024.
Tiếp đó, sau khi có Báo cáo khả thi của dự án sẽ triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án trong tương lai.
Về đề nghị cho chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tỉnh cần chủ động thuê đơn vị tư vấn, đánh giá kĩ khả năng và đưa ra những cam kết chắc chắn trước Bộ và trước Chính phủ về tiến độ phát điện cụ thể của dự án; giải quyết dứt điểm những vấn đề còn liên quan đến chủ đầu tư trước; xem xét điều chỉnh quy hoạch cục bộ của địa phương nếu cần.
Đồng thời giao các đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng, Vụ Dầu khí và Than nghiên cứu tính toán về cơ cấu nguồn điện và giá thành trong tương lai để đề xuất khả năng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó có việc điều chỉnh nhiên liệu đầu vào cho tổ hợp nhiệt điện Quảng Trị.
Khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện các thủ tục, đưa ra những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các dự án điện khí. Nghiên cứu, tham mưu để ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, bóc tách giá và phí truyền tải.
https://baodautu.vn/quang-tri-lam-viec-voi-bo-cong-thuong-nham-thuc-day-cac-du-an-nang-luong-d221062.html