Quảng Trị làm tốt công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao 

Nguồn nhân lực có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tại Quảng Trị thời gian qua, việc đào tạo nguồn nhân lực đã được chú trọng, tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu đổi mới thì vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu, đang đón đầu các cơ hội đầu tư thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần có những giải pháp cấp bách cũng như chiến lược lâu dài để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Xác định việc đào tạo nghề nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao với những giải pháp chủ động và hiệu quả.

Sau khi Chỉ thị số 37-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thường trực Tỉnh uỷ đã cho sao gửi đến Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và các trường Trung cấp nghề…tổ chức cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhất là những người trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý, đào tạo nghề… học tập, nghiên cứu sâu các nội dung cơ bản của Chỉ thị.

Từ sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của cấp ủy và chính quyền, công tác đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Bộ máy, biên chế cho các cơ quan quản lý đào tạo và các cơ sở dạy nghề ngày càng hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lao động, việc làm và dạy nghề. Sở đã thành lập Phòng Dạy nghề với 4 biên chế. Các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện đều bố trí 01 biên chế chuyên trách công tác đào tạo nghề.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề. Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Sư phạm (có dạy nghề), 04 trường trung cấp, 09 Trung tâm GDTX-GDNN, 07 trung tâm dạy nghề và một số cơ sở tham gia đào tạo nghề.

Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, tỉnh Quảng Trị cũng chú trọng tới công tác phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Theo đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề được chuẩn hóa theo quy định, được sắp xếp bố trí hợp lý đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.

Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nghề được chú trọng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư; công tác đánh giá và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định, một số ngành, nghề liên kết có sự tham gia đánh giá của các tổ chức sử dụng lao động.

Để đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và mạnh công nghiệp và dịch vụ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực trong khung pháp lý chung của nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đào tạo, đầu tư kinh doanh tạo nhiều ngành nghề mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành có hàm lượng công nghệ cao, ít lao động nhưng có tay nghề cao để tăng năng suất, xem đây là một trong những ưu đãi để thu hút đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng thực hiện chế độ ưu đãi đối với các hình thức đầu tư mới gắn quyền lợi với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường các chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao với nhiều ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm tiền thuê đất, vay vốn ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực dạy nghề, y tế kỹ thuật cao, thể dục thể thao để phục vụ phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường mở rộng, hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị hợp tác với hai trường Đại học Khon Kean và Đại học Điều dưỡng Ubon của Thái Lan để tổ chức các cuộc hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; hợp tác với Trường Đại học Yonsei, Đại học Seo Jeong và Đại học Deagu Haany của Hàn Quốc để cập nhật, chuyển giao kỹ thuật mới, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, trao đổi cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy, nghiên cứu hợp tác quốc tế về  chuyên khoa phục hồi chức năng. Trường Trung cấp nghề Quảng Trị hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Navamintrachinee Mukdahan - Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, giảng dạy; văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán; Phối hợp tổ chức hội nghị về liên kết đào tạo nghề giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan tổ chức tại thành phố Sakon - Nakhon Thái Lan. Kết quả hợp tác, hội nhập quốc tế của các cơ sở dạy nghề đã góp phần nâng cao nhận thức và tích lũy kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh.

Có thể thấy, sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự nhất trí cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và Nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, qua đó đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37- CT/TW của Ban Bí thư ngày càng quyết liệt, hiệu quả. Công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú, kịp thời đã góp phần nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đào tạo nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao được kiện toàn sắp xếp ngày càng hợp lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của nhiều cơ sở dạy nghề được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề được sắp xếp lại; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Chương trình, giáo trình từng bước được đổi mới và hoàn thiện. Vì vậy, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, có tác động rõ rệt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực có tay nghề cao đã trở thành một lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo và triển khai nghiêm túc của các cấp, ngành, việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao của tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày một phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có tay nghề cao trong và ngoài tỉnh. L.Trang

799 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 860
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 860
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76867311