Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 CHK nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312 ha.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay sẽ được xây dựng tại xã Gio Quang - huyện Gio Linh (cách TP Đông Hà khoảng 7km), đây là cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng - quân sự. Diện tích sử dụng đất 312ha, trong đó đường cất, hạ cánh sẽ dài 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương.
Ngoài một đường lăn nối vào sân đỗ với 4 vị trí đỗ, sẽ có quỹ đất dự trữ để xây dựng đường lăn song song khi có nhu cầu.
Nhà ga hành khách được quy hoạch có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu. Đối với nhà ga hàng hóa, theo Cục Hàng không Việt Nam, do khối lượng hàng hóa vận chuyển giai đoạn đầu chưa cao nên khi xây dựng nhà ga hành khách sẽ tính toán và bố trí mặt bằng xử lý hàng hóa, hành lý trong khu vực nhà ga hành khách.
Thế nhưng, có rất nhiều vấn đề đặt ra nếu làm sân bay Quảng Trị: Nguồn vốn; Tiềm năng khai thác? Hiệu quả sử dụng?...
Như đề xuất thì dự kiến tổng số tiền cần để triển khai quy hoạch này lên tới hơn 5.700 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm cả vốn ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp và PPP…
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ sự lo lắng: Quảng Trị làm sân bay bằng nguồn vốn ở đâu? Khả năng thu về bao nhiêu? Lỗ, lãi thế nào? Đây là bài toán rất quan trọng mà hầu hết địa phương nào sau khi xây dựng dự án xong đều bị tắc. Quảng Trị có tránh được vết xe đổ? Nếu không xoay trở được nguồn vốn thì phương án sẽ thất bại.
Trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, Việt Nam đang phải đi vay để trả nợ mà lại đề xuất Trung ương rót tiền hỗ trợ xây sân bay là điều khó có thể chấp nhận được. Cơ quan quản lý nhà nước cần khẳng định rõ ràng quan điểm không sử dụng một đồng ngân sách nào để đầu tư cho những dự án kiểu như thế này.
Một con số thống kê cho thấy, cả nước hiện có 21 sân bay đang khai thác, trong đó, có 9 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa đang hoạt động. Thế nhưng việc đầu tư xây dựng và phát triển sân bay nói chung vẫn chưa có tầm nhìn chiến lược, dẫn đến hiệu quả khai thác, sử dụng không cao.
Đó là, quy hoạch sân bay đang được rải đều khắp các tỉnh thành, phố miền Trung bao gồm từ: Thanh Hóa (sân bay Thọ Xuân), Nghệ An (sân bay Vinh), Quảng Bình (Đồng Hới), Huế (Phú Bài), Đà Nẵng (sân bay Đà Nẵng), Bình Định (sân bay Phù Cát), Phú Yên (sân bay Tuy Hòa), Khánh Hòa (sân bay Cam Ranh)…
Hoặc, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, sân bay Cà Mau, Rạch Giá, và Phú Quốc. Lượng khách bay đến các sân bay này rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, ngay cả sân bay quốc tế Cần Thơ – sân bay trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu Long cũng ít khách.
Ngoài ra, còn các dự án đang được ấp ủ, đang trong quy hoạch của nhiều địa phương khác như: An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh...
Liên quan đến vấn đề này, bà Jung Euth Oh - chuyên gia giao thông cao cấp (Ngân hàng Thế giới) từng nhận định. “Nếu tất cả các dự án sân bay, cảng được phê duyệt, Việt Nam sẽ có hệ thống sân bay và cảng nước sâu nhiều nhất thế giới so với quy mô nền kinh tế. Có thể nói đầu tư như vậy chưa hiệu quả, chưa hết công suất, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa. Theo đó, tổng đầu tư cần phải cân đối tốt hơn giữa các lĩnh vực giao thông và với duy tu bảo dưỡng”.
Đáng chú ý, rất nhiều sân bay như Tuy Hòa, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên, Đồng Hới… công suất hoạt động cũng chỉ đạt 11 – 37%. Nói cách khác, hiện nay hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn đang gồng mình gánh lỗ cho các sân bay còn lại.
Quảng Trị có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, hấp dẫn du khách như làng cổ Bích La, chợ phiên Cam Lộ, bãi biển Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, thánh địa La Vang, Khe Sanh, Núi Talung, núi Klu, Bản dân tộc Vân Kiều…
Việc đến Quảng Trị bằng đường hàng không hay đường bộ không quan trọng bằng việc làm thế nào để khách du lịch biết đến những địa điểm này nhiều hơn. Bởi thực tế, khoảng cách địa lý giữa Quảng Trị và hai địa phương giáp ranh quá gần, chỉ cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam. Nếu tiềm năng du lịch đủ hấp dẫn, khách du lịch khắc đến thông qua hai sân bay giáp tỉnh.
Nói như Chuyên gia hàng không Trịnh Như Long: Cảng hàng không có phát triển được hay không, khách đến nhiều hay không, vai trò quan trọng là ở Quảng Trị. Địa phương này phải xác định và vẽ con đường cho mình. Hay nói cách khác, nếu thực sự quyết tâm thì phải tạo thị trường cho cảng hàng không Quảng Trị. Ngược lại, cảng hàng không Quảng Trị cũng sẽ giúp kích cầu đầu tư, kích cầu du lịch cho địa phương này.
“Việc phát triển sân bay Quảng Trị phải gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Sân bay Quảng Trị có cơ hội phát triển hay không tất cả phụ thuộc rất lớn vào “tham vọng”, quyết tâm của lãnh đạo địa phương, làm thế nào để nhà đầu tư thấy hấp dẫn muốn đầu tư vào Quảng Trị”, ông Long nói.
Hay như lời nhận xét của các đại lý du lịch: Sức hấp dẫn của Quảng Trị là có, nhưng nó vẫn đang cần một “đòn bẩy” đủ mạnh để có thể bật dậy.
Vậy làm thế nào để Quảng Trị có thể bật dậy? Ngoài sân bay còn phương án vận tải nào hiệu quả, tốt hơn không? Bởi, để kinh tế cất cánh không chỉ trông vào mỗi sân bay.
Sông Hàn