Một số khoản thu được liệt kê của Trường Mầm non Tân Định, Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị).
Theo bà Hương, ngay từ đầu năm học, trước thông tin một số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thu chi trái quy định, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo thanh tra làm rõ những kiến nghị, ý kiến của phụ huynh học sinh thông qua đơn từ, mạng xã hội.
Hiện nay, công tác thanh tra đối với một số trường học, cơ sở giáo dục sắp hoàn thành, chúng tôi chờ kết luận của đoàn thanh tra sẽ tiến hành xem xét và xử lý. Quan điểm của Sở sẽ xử lý nghiêm đối với cơ sở giáo dục vi phạm quy định gây bức xúc dư luận... bà Hương cho biết.
Như Báo GD&TĐ ngày 7/10 đã có bài phản ánh về việc “Có lạm thu đầu năm học?” phản ánh nhiều cơ sở giáo dục tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện dấu hiệu lạm thu đối với các khoản thu chi đầu năm học.
Ngày 12/8/2019, nhằm thực hiện Công văn số 1052/BGDĐT-KHTC ngày 18/3/2019, Công văn số 2976/BGDĐT-KHTC ngày 15/7/2019 của Bộ GD&ĐT, Công văn số 3361/UBND-VX ngày 26/7/2019 UBND tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã kịp thời ban hành Công văn số 1262/SGDĐT-KHTC hướng dẫn các đơn vị thực hiện các khoản thu năm học 2019-2020.
Đơn cử tại một số cơ sở như Trường Mầm non Tân Định (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) thu ngoài những khoản nhà nước quy định, như: Lương cô nuôi: 72.800 đồng/tháng/cháu; trực trưa của cô: 62.600 đồng/tháng/cháu.
Đồ dùng bán trú cháu mới: 150.000 đồng/cháu, cháu cũ: 100.000 đồng/cháu, đồ dùng học tập của bé, trẻ: 105.000 đồng, cháu lớp nhỡ: 140.000 đồng, cháu lớp lớn: 169.500 đồng; tiền xã hội hóa đồng loạt mỗi cháu: 250.000 đồng, tiền lao động cũng đồng loạt mỗi cháu: 150.000 đồng…
Trường TH và THCS Gio Mỹ thuộc huyện Gio Linh, tiền xã hội hóa thu mỗi học sinh 500.000 đồng. Trường Mầm non Tân Lập ở huyện miền núi Hướng Hóa, với lớp 3 - 4 tuổi, phục vụ bán trú, mỗi cháu: 120.000 đồng, cháu mới vào học: 200.000 đồng, quỹ phụ huynh trường: 100.000 đồng, quỹ khuyến học: 50.000 đồng, khám sức khỏe: 40.000 đồng, hỗ trợ xã hội hóa: 150.000 đồng, thuê nhân viên cấp dưỡng: 351.000 đồng; tiền lớp, đồng phục: 90.000 đồng, trang trí: 50.000 đồng, đồ dùng học tập: 116.000 đồng, đồ dùng đồ chơi: 100.000 đồng, dụng cụ vệ sinh: 90.000 đồng, sổ theo dõi sức khỏe: 12.000 đồng, quỹ lớp: 100.000 đồng, ca trưa: 50.000 đồng...
Trường THPT Hải Lăng có các khoản thu ngoài quy định của nhà nước gồm: Sổ liên lạc điện tử 40.000 đồng, giấy thi, giấy kiểm tra 70.000 đồng, vệ sinh nước uống: 90.000 đồng, quỹ đoàn 60.000 đồng, quỹ hội phụ huynh trường 100.000 đồng, quỹ khuyến học, học sinh giỏi 80.000 đồng, quỹ xã hội hóa 250.000 đồng... tất cả đã gần 1 triệu đồng chưa kể tiền nộp thêm cho từng lớp…
Đáng chú ý đó là khoản thu tiền xây phòng thay áo dài cho nữ sinh, mỗi học sinh 250.000 đồng (gọi là tiền xã hội hóa để chi, trong đó có phòng thay áo dài) và tiền giữ xe học sinh theo văn bản là xe đạp 25.000 đồng/tháng/học sinh, xe đạp điện 50.000 đồng/tháng/học sinh.
Trường THCS thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh) cũng khá cao, có nhiều khoản trái quy định. Chẳng hạn đóng quỹ thì có đến 5 loại quỹ, đó là quỹ phụ huynh lớp 100.000 đồng, quỹ phụ huynh trường: 70.000 đồng, quỹ đội 50.000 đồng, quỹ lớp: 100.000 đồng, quỹ học sinh giỏi 100.000 đồng. Cộng các khoản mỗi học sinh nộp khoảng 2,5 triệu đồng, chưa kể những khoản thu phát sinh.