10 năm về trước, Quảng Trị đã đưa vào sử dụng 2 cây cầu quan trọng nằm trên tuyến giao thông ven biển, là cầu Cửa Tùng bắc qua cửa biển nối huyện Vĩnh Linh với Gio Linh và cây cầu Cửa nối liền huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong. Từ đây, thiết lập một hệ thống giao thông gần như đi qua tất cả địa phương vùng ven biển của tỉnh (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng).
Giao thông liền mạch, giao thương thuận lợi đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các thị trấn ven biển: Cửa Tùng và Cửa Việt. Đặc biệt, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) – là điểm khởi đầu của Quốc lộ 9 xuyên Á và Quốc lộ 9D nối tuyến đường ven biển qua Cửa Tùng ra Quốc lộ 1A và đi lên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông.
Cây cầu Cửa Việt tạo điều kiện thông thương giữa các huyện vùng ven biển và kết nối với các tuyến đường giao thông huyết mạch.
|
Với đặc điểm địa lý, tự nhiên thuận lợi, Cửa Việt đã và đang vươn lên thành một đô thị trung tâm của vùng biển Quảng Trị. Cách đó không xa, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cũng đang dần “thay da, đổi thịt”. Hạ tầng giao thông thuận lợi đã làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế của địa phương, cùng với phát triển kinh tế biển, dịch vụ, nông nghiệp và thương mại – du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể.
Từ những dải đất cát hoang sơ, khô cằn đã mọc lên nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, khu dân cư ven biển. Bên cạnh đó, hệ thống cảng cá, cảng vận tải cùng các hạng mục, cơ sở hạ tầng khác được đầu tư xây dựng tạo nên hình thái của những thị trấn năng động, trẻ trung. Đặc biệt, ở những xã ven biển hoang vu lâu nay đã dần sinh động hơn khi đã hình thành nên khu dân cư, hàng quán phục vụ nhu cầu du lịch, ăn uống của người dân và du khách.
Giao thông thuận lợi đã góp phần định hình các khu dân cư, thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến đường ven biển của tỉnh Quảng Trị.
|
Xuôi vào hướng Nam, thời gian này, hai xã Hải An và Hải Dương (huyện Hải Lăng) cũng đang dần hình thành một đô thị ven biển đầy hứa hẹn. Với những dự án lớn tầm vóc quốc gia, khu vực là cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm điện khí, Hải An và Hải Dương được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phân tích: Mô hình đô thị ven biển Cửa Việt và Cửa Tùng được xem là thành công của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển đô thị ven biển và hướng về biển. Với hai đô thị ven biển này, Quảng Trị đã góp phần phát triển kinh tế biển và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia vùng ven biển và hải đảo như Nghị quyết TW9, khóa X “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đề ra. Tỉnh Quảng Trị đang từng bước quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển, xây dựng hệ thống đô thị ven biển trên cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện.
Cùng với sự phát triển của dải đô thị ven biển, kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị ngày càng có nhiều khởi sắc.
|
Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vũng kinh tế biển, Quảng Trị đã định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm.
Theo đó, khu vực phía bắc vùng ven biển huyện Vĩnh Linh và bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng. Đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa.
Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong với hạt nhân là đô thị Cửa Việt. Đây là khu vực phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khu vực phía nam huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Trong đó, phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Ngoài ra còn có khu vực phía đông hình thành bởi tam giác du lịch biển đảo trọng điểm nghỉ dưỡng đó là Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ.
Với vai trò của đô thị Cửa Việt là trung tâm của hành lang kinh tế ven biển, Quảng Trị đã có định hướng thành lập thị xã Cửa Việt trong tương lai trên cơ sở sáp nhập thêm xã Gio Hải và thị trấn Bồ Bản với quy mô, diện tích hơn 40.000 km2 và dân số khoảng 20.000 người. Lúc đó, đô thị Cửa Việt sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm của hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị.
Tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây hiện tại đang được đầu tư mở ra những cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Trị.
|
Trên cơ sở quy hoạch không gian ven biển, đồng thời nhằm kết nối toàn bộ các khu vực đô thị ven biển, mới đây Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây (giai đoạn 1). Tổng nguồn vốn đầu là trên 2.000 tỷ đồng với chiều dài 55,7km.
Từ đó, góp phần hình thành hành lang kinh tế ven biển ngày càng rõ nét nhằm thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các đô thị Cửa Tùng, đô thị trung tâm Cửa Việt, đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Đồng thời, mở ra những cơ hội thông thương, kết nối với trung tâm với TP Ðông Hà, Hành lang kinh tế Quốc lộ 1, Hành lang kinh tế Ðường 9 - xuyên Á đến các trung tâm đô thị và các trung tâm dịch vụ - du lịch duyên hải miền Trung.