|
Sạt lở ở sông Sê Păng Hiêng.
|
Người dân xã Trung Sơn (H.Gio Linh) không giấu được lo lắng khi phản ánh bờ nam sông Bến Hải đoạn qua địa bàn bị sạt lở nặng nề. Một số đoạn bị xói lở, ăn sâu vào vườn đất các hộ dân và hành lang đường từ 1 đến 3m, làm ảnh hưởng đến tuyến đường T100 và tài sản của nhân dân 4 thôn. Trong khi đó, người dân xã Triệu Phước (H.Triệu Phong) ngày đêm nơm nớp khi kè Hà Lộc sạt lở đã ngày một nghiêm trọng. Trở ra xã Triệu Giang (H.Triệu Phong), nhiều đoạn con đường liên thôn đã bị “thắt” lại, hàm ếch mở ra, như muốn nuốt bước chân qua đây. Ngược lên vùng cao Hướng Lập (H.Hướng Hóa), đồng bào Vân Kiều nơi đây cũng đau đáu trước tình hình sạt lở nặng của sông Sê Păng Hiêng, dòng sông chảy ngược sang Lào, sau cơn bão trong tháng 9-2019. Qua khảo sát, thống kê ban đầu, sạt lở đã làm mất hơn 5ha đất bờ kè; đoạn qua Trạm Y tế xã Hướng Lập dài 120m, đe dọa trạm y tế này và nhiều hộ gia đình sinh sống gần đó. Khu vực sạt lở sâu từ 5-7m, rộng 6-8m, ăn sâu vào 4-5m; sạt lở cách nhà công vụ hiện tại của trạm Y tế Hướng Lập 0,8m, cách công trình hai tầng đang xây dựng mới là 4m. Ngoài ra, sạt lở gây xói mố trụ chân cầu Sê Păng Hiêng, làm mất đất thổ cư, ảnh hưởng đến dân cư. Nếu không có giải pháp khắc phục, cũng dẫn đến khả năng mất trắng đất sản xuất của hàng chục hộ đồng bào Vân Kiều dọc theo bờ sông này trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến rất phức tạp tại địa bàn, quy mô tăng, phạm vi thay đổi và ngày càng mở rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 124km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, trong đó có 19km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trước những lo lắng, kiến nghị của người dân vùng chịu ảnh hưởng, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực để tìm kiếm, huy động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư nhằm xử lý, ứng phó với tình hình sạt lở. Trong đó có phê duyệt Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030”. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương còn hạn chế nên công tác xử lý sạt lở mới được ưu tiên triển khai tại một số khu vực đặc biệt nguy hiểm và cấp bách. Và sạt lở tại xã biên giới Hướng Lập đã được gọi tên.
Theo đó, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất với UBND tỉnh về việc tạm ứng ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng để Sở NN&PTNT xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp tại xã biên giới này. Sau khi khảo sát thực tế, Sở trên đề xuất kịp thời gia cố bằng bờ kè kiên cố tại đoạn sạt lở dài 120m dọc sông Sê Păng Hiêng để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản. Phương án cụ thể gồm gia cố mái bằng giải pháp rọ đá giật cấp từ chân lên đỉnh, khóa chân kè bằng chân khay; nạo vét, khơi thông dòng chính đảm bảo tiêu thoát và hướng thuận dòng tự nhiên; tận dụng khối lượng đất đá nạo vét để gia cố thân kè nêu trên, đắp tường hướng dòng, gia cố các vị trí bờ sông sạt lở lân cận. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND H.Hướng Hóa theo dõi tình hình sạt lở, cắm biển và dựng hàng rào cảnh báo, chủ động gia cố bằng vật liệu tại địa phương.
Với những kiến nghị của người dân Trung Sơn, Triệu Phước, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xem xét để tham mưu đưa vào danh mục ưu tiên xử lý để triển khai thực hiện khi huy động được nguồn vốn, kinh phí. Trước mắt, các địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời và phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn như gia cố sạt lở bằng cọc tre, cừ tràm, bao tải đất, cắm biển báo, chủ động phương án di dời trong trường hợp khẩn cấp.
BẢO HÀ