QUẢNG TRỊ KHAI THÁC TIỀM NĂNG, HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TOÀN DIỆN, VỮNG CHẮC 

Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược của khu vực miền Trung và cả nước, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Với ý chí, khát vọng vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khai thác, huy động tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giành nhiều thành công và thắng lợi quan trọng.

Kinh tế tăng trưởng, các nguồn lực được khơi thông

Quảng Trị có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, hậu cần, dịch vụ và thương mại quốc tế, trực tiếp với Campuchia, Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt là thuận lợi trong lĩnh vực luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, nằm giữa khu vực lục địa rộng lớn, kết nối với chuỗi cung ứng và thương mại với các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Trung Quốc và Ấn Độ, đây là các quốc gia được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động đầu tư tăng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,16%, tăng 1,25 % so với nhiệm kỳ trước. Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020, gấp 1,6 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp, từ gần 75% năm 2015 lên gần 79% năm 2020; giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, từ trên 25% năm 2015 xuống còn 21% năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 15,43% xuống còn 6,43%, mỗi năm giảm bình quân 1,77%. Dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị được khẳng định trong các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác. Sản lượng lương thực có hạt đạt 27,5 vạn tấn/năm. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế; nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế phát triển mạnh, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Rừng tự nhiên được chú trọng bảo vệ; độ che phủ rừng đạt trên 50%. Kinh tế biển được đầu tư phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng thủy sản tăng bình quân hằng năm gần 1,1%. Các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, dịch vụ kho cảng phát triển mạnh; tổ chức xây dựng và phát triển 2 trung tâm nghề cá tại Cửa Việt và Cửa Tùng.

Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.

Nhiều hạng mục công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với hành lang kinh tế Đông Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ đang từng bước triển khai thực hiện. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, tạo sự liên kết vùng với các tỉnh Duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông đạt trên 6.623 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới như cầu Sông Hiếu, cầu thứ 2 qua sông Thạch Hãn, cầu nối Mò Ó - Triệu Nguyên, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường tránh thành phố Đông Hà về phía Đông, đường Sa Trầm - Palin, trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị …

Thứ ba, tạo môi trường thu hút đầu tư, chú trọng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư được cải thiện rõ rét; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Trị năm 2020 đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2019. Huy động các nguồn vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 173.423 tỷ đồng, tăng 1,55 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Số dự án được cấp phép đầu tư tăng gấp 2,2 lần và tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 4,46. Năm 2018, tỉnh Quảng Trị chọn là “Năm doanh nghiệp”, tập trung ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề ra giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục đối với doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng qua các năm. Đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh gần 4.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt trên 44.827 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động.

Thứ tư, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đồng bộ, theo lộ trình bài bản.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu. Dấu ấn nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 57/101 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 56,4%, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Cam Lộ được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố về kết quả xây dựng NTM.

Thứ năm, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực.

 Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề. Giải quyết tốt việc làm cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Giai đoạn 2016 - 2020, tạo việc làm mới cho 61.712 người, trong đó làm việc tại địa phương trên 35.000 người. Tỉ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,7% xuống còn 2,7%; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 15,43% xuống còn 6,43%, giảm bình quân 1,77%/năm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tri ân và chăm sóc người có công với cách mạng. 

Những hạn chế, vướng mắc

Một là, kinh tế tuy giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chất lượng chưa thực sự bền vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm, thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt mục tiêu đề ra; quy mô, năng lực nền kinh tế còn hạn chế.

Hai là, một số chương trình, lĩnh vực kinh tế trọng điểm được kỳ vọng mang tính đột phá như: Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, cảng biển Mỹ Thủy, Khu kinh tế thương mại Lao Bảo... phát triển chậm, chưa tạo ra sức hút lớn cho nhà đầu tư. Quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn những hạn chế, bất cập.

Ba là, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Thu nhập và cuộc sống của người dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; chênh lệch phát triển giữa các địa phương trong tỉnh còn cao. Chất lượng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Một số đề án, dự án về lĩnh vực văn hóa, xã hội thực hiện chậm.

Bốn là, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực quân sự quốc phòng ở một số lĩnh vực, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ triển khai xây dựng một số công trình phòng thủ còn chậm. Công tác nắm, dự báo, phân tích, tham mưu xử lý tình hình phức tạp ở cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời. Các loại tội phạm về an ninh trật tự có xu hướng tăng như ma túy, trộm cắp tài sản, tín dụng đen, tội phạm kinh tế... gây bất an cho người dân.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030

Bước sang thời kỳ mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi, tỉnh Quảng Trị cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra định hướng phát triển của tỉnh trong 5 năm tới là: “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Khơi dậy ý chí, khát vọng và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt ổn định 25-26 vạn tấn/năm; diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân hằng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa; diện tích cây ăn quả và cây dược liệu đạt 10.000 ha. Ổn định diện tích cây hồ tiêu 2.700 ha, cây cà phê 5.500 ha, cây cao su 20.000 ha. Phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hằng năm tăng 2,5% - 3%.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới, ven biển, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Hằng năm, trồng mới rừng tập trung đạt 6.500 ha - 7.000 ha; duy trì độ che phủ rừng ổn định 50%. Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ thành phẩm và bán thành phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành một trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đến năm 2025, số tàu cá chiều dài trên 15 mét có công suất trên 90 mã lực đạt 250 chiếc. Sản lượng thủy sản đạt 40.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.600 ha - 3.800 ha. Hình thành trục đô thị ven biển để khai thác tiềm năng, lợi thế và bảo đảm an ninh biển, đảo. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi hiện có để phát huy tối đa năng lực thiết kế; bảo đảm tưới chủ động trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, vùng màu và cây công nghiệp với diện tích 5.500 ha - 6.000 ha, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 2.500 ha; ngăn mặn, giữ ngọt 15.500 ha; tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư; chủ động tiêu úng 21.500 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh xây dựng NTM tiếp tục là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt của tỉnh. Duy trì vững chắc kết quả của các xã đã đạt chuẩn; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao; tập trung chỉ đạo xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, miền núi. Phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 75% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2030, có 85% số xã đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn NTM.

Thứ hai, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may và công nghiệp phụ trợ. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị, “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Ưu tiên xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân trung tâm phát triển công nghiệp. Tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như: dự án nhiệt điện than, dự án nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Quảng Trị, dự án nhiệt điện khí hóa lỏng. Kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Kèn Bầu về thành phố Quảng Trị. Quy hoạch và phát triển các cơ sở công nghiệp dọc Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49, nối cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển Mỹ Thủy.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả các loại hình dịch vụ, phát triển mạnh dịch vụ du lịch.

Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi; phát triển dịch vụ và kết nối đa phương thức trong vận tải nội địa để phát huy lợi thế là cửa ngõ ra biển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ khu vực biên giới.

 Huy động các nguồn lực, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch, điểm du lịch, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; kết nối du lịch tìm hiểu lịch sử, chiến tranh cách mạng của tỉnh Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực. Xây dựng và định hình thương hiệu Lễ hội "Hòa Bình” tại Quảng Trị; Khu du lịch Hệ thống giếng cổ Gio An (huyện Gio Linh); du lịch biển Cửa Việt, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn.

Thứ tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; khắc phục dần các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, khắc phục dần các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành một số dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, nhất là các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên theo thứ tự sau:

Về giao thông: Thực hiện xây dựng Quốc lộ 15D; thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt phía bờ Nam. Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt; mở rộng Quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam thành phố Đông Hà; đường ven biển; cảng hàng không sân bay Quảng Trị; đường Hùng Vương nối dài giai đoạn 3; đường từ sân bay Quảng Trị đến đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây. Lập dự án tuyến đường sắt đoạn Đông Hà - Lao Bảo và đoạn từ cảng Mỹ Thủy nối với đường sắt Bắc - Nam; ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Về hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay. Đẩy nhanh triển khai dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị.

Về hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải: Từng bước hiện đại và ngầm hoá lưới điện; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện lưới, đáp ứng nhu cầu truyền tải điện, phục vụ các dự án phát triển năng lượng. Hoàn thành xây dựng đường dây tải điện và trạm biến áp 220 KV từ thành phố Đông Hà đi cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo phía Tây của tỉnh. Đề xuất với Chính phủ triển khai một số dự án truyền tải điện khác như dự án đường dây điện 500 KV từ Lào về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Triển khai các dự án xử lý rác thải; hệ thống cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dịch vụ du lịch; nghiên cứu xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải, nhà hỏa táng.

Về y tế, giáo dục: Xúc tiến xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Trị; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hoàn thành đề án hệ thống y tế cơ sở; đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn. Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Về văn hóa, thể thao, du lịch: Xây dựng Công viên Thống nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ sông Hiền Lương - Bến Hải; tu bổ, tôn tạo Di tích Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng; hoàn thiện khu liên hiệp thể thao tỉnh; xúc tiến nâng cấp Di tích Thành cổ Quảng Trị./. Nguyễn Khánh

3191 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1308
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1309
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87175281