Quảng Trị: Kết quả một năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW 

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Chỉ thị 13-CT/TW và các văn bản có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với những người dân sống gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả được thực hiện như: bản tin; phóng sự; tờ rơi; họp dân; ký cam kết với từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh...

Để chỉ đạo sát việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 886; Xây dựng “Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.... Đa số các địa phương, các ngành trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa Chỉ thị, nghị quyết thông qua quy hoạch, kế hoạch hành động để thực hiện.

Nhờ vậy, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự chuyển biến mạnh mẽ; nhận thức rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, nắm vững các nội dung của Chỉ thị và chấp hành tốt các quy định về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên rừng; xuất hiện một số tấm gương người tốt, việc tốt trong thực hiện bảo vệ rừng được nêu gương. Vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường.

Từ khi có Chỉ thị 13 đến nay, công tác quy hoạch 3 loại rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng hiệu quả hơn. Đến cuối năm 2017, diện tích có rừng là 253.855,9ha, trong đó: rừng tự nhiên: 143.317,1 ha, rừng trồng: 110.538,8 ha; độ che phủ rừng 50,1%, tăng 5.213ha rừng tự nhiên, 22.193ha rừng trồng so với năm 2010. Quản lý quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo các chức năng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; các giải pháp phát triển rừng được thực hiện đồng bộ. Năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung đạt 7.532ha; chất lượng rừng trồng được nâng cao thông qua việc quản lý nguồn gốc, chất lượng giống đảm bảo, cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc rừng; Sản lượng gỗ rừng trồng đạt trên 600.000 m3, tăng hơn nhiều so với những năm trước (450.000m3/năm). Một số mô hình quản lý kinh doanh lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công như mô hình: trồng rừng gắn liền với cấp chứng chỉ rừng (FSC); trồng rừng gỗ lớn; chuyển hóa rừng trồng sang kinh doanh gỗ lớn; liên doanh, liên kết với Công ty Thương mại tỉnh Quảng Trị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22.158ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 11% diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên toàn quốc. Tỉnh Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong cả nước về việc thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được quan tâm thực hiện, giúp cho người dân sống gần rừng, làm nghề rừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Việc đóng cửa rừng tự nhiên được tiến hành đồng bộ cả 3 lĩnh vực: chấm dứt khai thác chính gỗ rừng tự nhiên; quản lý chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; tăng cường các biện pháp chống chặt phá rừng trái pháp luật.

Công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên được quan tâm. Toàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, phân bổ nguồn lực để bảo vệ tốt 253.855,9ha rừng hiện có. Nâng cao chất lượng rừng bằng các giải pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng rừng bổ sung, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ tạo điều kiện cho cây bản địa phát triển. Bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng nhằm lưu giữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Từ năm 2007, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên. Việc tuần tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm về khai thác rừng trái phép đã được các địa phương và các ngành chức năng nghiêm túc thực hiện, đặc biệt tại các điểm nóng trên địa bàn tỉnh như các tuyến đường vào thủy điện Khe Nghi, thôn Vùng Kho, xã Đakrông và tuyến đường Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông; vào Hông Cốc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa…; công tác kiểm tra, kiểm soát gỗ, động vật hoang dã thẩm lậu qua biên giới được tăng cường. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện thường xuyên, đặc biệt vào các tháng mùa khô. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Việc rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi quy hoạch để sử dụng ổn định 3 loại rừng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Nhất là đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội (thủy điện, điện gió, dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...), việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên luôn được kiểm tra, kiểm soát, đã góp phần hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Công tác cắm mốc ranh giới được chú trọng thực hiện tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện nhằm mở mang quỹ đất phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cũng như cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Quảng Trị đã thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác song phương với các tỉnh có chung đường biên giới nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản hiệu quả, chặt chẽ. Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet – CHDCND Lào đã ký kết phối hợp thực hiện Công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã quý hiếm; quản lý kiểm soát hoạt động buôn bán, thẩm lậu lâm sản qua biên giới. Bên cạnh đó, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế...) cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ (JICA2);...

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại hạn chế là: Một số cấp ủy và cấp chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vai trò quan trọng của Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư; chưa triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp thực hiện.  Đời sống người dân, đặc biệt là bà con dân tộc còn nghèo, sống phụ thuộc vào rừng nên vẫn còn tình trạng khai thác gỗ, xâm lấn rừng trái phép, cháy rừng, săn bắt động vật hoang dã còn xảy ra. Vẫn còn xuất hiện một số điểm nóng về khai thác rừng trái phép nhất là những vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh, vùng sâu, vùng xa; Diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng tự nhiên một số nơi bị suy giảm; toàn tỉnh vẫn còn hơn 42.000ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng động dân cư. Tình trạng xung đột, tranh chấp, xâm lấn đất rừng giữa người dân với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty TNHH vẫn còn phức tạp. Đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu tại vùng núi và vùng gò đồi, địa hình tương đối dốc, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng lâm nghiệp chưa phát triển đi lại khó khăn; thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần: Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức và hoạt động cụ thể, kết hợp tuyên truyền trong các cuộc họp thôn; hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; trên các phương tiện thông tin đại chúng,..v.v. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ rừng, lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào quy chế xây dựng làng văn hóa, quy chế, hương ước của cộng đồng, khu dân cư.

 Tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành, các chủ rừng và toàn thể nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để phát huy năng lực, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

 Nghiêm túc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, không khai thác chính rừng tự nhiên; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng sang mục đích sử dụng khác; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác lâm sản trái phép. Rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng làm căn cứ cho việc quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp.

 Đẩy mạnh công tác tuần tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất nương rẫy của người dân; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy theo đúng quy định; có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm lấn rừng, phá rừng tự nhiên trái phép để làm nương rẫy.

 Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp đã được phê duyệt; Tiếp tục thực hiện Phương án chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất rừng sản xuất để giao lại cho chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân có thêm đất sản xuất, ổn định dân sinh, kinh tế trên địa bàn.

  Nâng cao chất lượng rừng trồng; Tập trung trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn theo hướng phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm rừng; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu trong tỉnh; khuyến khích dùng gỗ rừng trồng (đạt tiêu chuẩn FSC, PEFC), giảm dần tỷ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu và dăm gỗ.

 Rà soát, quy hoạch cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh; triển khai quy hoạch chế biến gỗ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ theo từng vùng, gắn với quy hoạch trồng rừng nguyên liệu để đảm bảo hiệu quả đầu tư chung. Quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với cơ sở chế biến gỗ để thực hiện chuyển hóa rừng trồng hiện có và trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Triển khai có hiệu quả các chương trình,dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án viện trợ, sử dụng vốn vay,.. Hồng Bốn

2331 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1008
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 1010
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76814118